Báo chí là kênh thông tin quan trọng phản ánh những tồn tại, bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của ngành y tế. Ảnh: Lê Tiên |
Chuyển động tích cực
“Đánh tan những cục máu đông” là nhận xét của ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế khi chia sẻ về những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24)… cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế như: Thông tư số 03/2024/TT-BYT; Thông tư số 04/2024/TT-BYT; Thông tư số 05/2024/TT-BYT; Thông tư số 07/2024/TT-BYT…
Ông Cương cho biết, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị định 24, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì 3 cuộc họp với lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan; đại diện một số bệnh viện Trung ương, sở y tế địa phương, bệnh viện tư nhân, chuyên gia… để lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Trước đó, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những hạn chế, bất cập trong hoạt động mua sắm, đấu thầu, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trầm trọng. Mặc dù khó khăn trăm bề do vướng mắc về vấn đề pháp lý, nhưng trong thời gian đầu, gần như không một ai dám nói, dám lên tiếng, vì trách nhiệm của cơ sở y tế là phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Với sự đồng hành, chia sẻ của báo chí, nhiều lãnh đạo bệnh viện đã mạnh dạn lên tiếng về tình trạng vật tư thiết bị trúng thầu giá rẻ nhưng chất lượng thấp; không chọn được nhà thầu; người bệnh thuộc diện được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả nhưng phải chờ đợi thuốc, vật tư hoặc phải tự bỏ tiền túi ra mua sắm…
Bằng nỗ lực cập nhật thông tin liên tục, báo chí đã thúc đẩy mạnh mẽ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tháo gỡ các điểm nghẽn kịp thời. Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã được ban hành nhằm gỡ khó cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đã bãi bỏ hàng loạt quy định không phù hợp tại các văn bản như Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập; Thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu…
Theo Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hiện cán bộ mua sắm của Bệnh viện đã có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không còn e sợ rủi ro như trước. Bệnh viện đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu thực hiện một số gói thầu hàng trăm tỷ đồng theo quy định mới để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trong thời gian qua, báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng, truyền tải ý kiến phản biện từ thực tiễn đến với người làm luật, từ đó xây dựng những chính sách nhằm khắc phục bất cập trong hoạt động mua sắm của ngành y tế. Đơn cử, Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, thông tư này được đánh giá là tạo thuận lợi cho việc mua sắm, tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng tính chủ động cho các cơ sở y tế. Theo cán bộ phụ trách mua sắm của Bệnh viện Nhi Trung ương, nhờ những ý kiến phản biện được các cơ quan báo chí đăng tải, danh mục mặt hàng tại Thông tư 05/2024/TT-BYT đã khác hoàn toàn so với bản dự thảo đầu tiên được Bộ Y tế đề xuất hồi tháng 4/2024.
Tiếp tục đồng hành vì sự phát triển
Tại Phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, Đoàn ĐBQH Tỉnh đã nhận được đơn thư phản ánh của nhiều công ty cho cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… dùng trong phòng, chống dịch Covid-19 chưa được thanh toán. Vấn đề này đã được nêu tại Kỳ họp thứ 6, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, muốn giải quyết được vấn đề này, cần có cơ chế, bởi pháp luật hiện chưa có quy định. Khó khăn hiện nay là đấu thầu trả bằng hiện vật thì các sinh phẩm, vật tư y tế dành cho giai đoạn chống dịch không thể sử dụng vì dịch đã kết thúc. Nếu trả bằng tiền thì lại đặt ra vấn đề xác định mức độ và nguồn chi trả.
Hành lang pháp lý về đấu thầu đang ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng giá kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 58/2016/TT-BTC và Thông tư số 68/2022/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2016/TT-BTC về việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) vẫn còn nhiều bất cập, có thể dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý…
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cơ sở y tế công lập, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong các quyết định. Trong đó, việc phát triển dịch vụ kỹ thuật y tế như phẫu thuật thẩm mỹ được lãnh đạo nhiều bệnh viện nhận định là cơ hội để gia tăng nguồn thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về việc xác định giá dịch vụ, lúng túng áp dụng “giao kết công đoàn” và tham khảo giá tương đồng của khu vực y tế tư nhân cho khu vực công. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo bệnh viện vẫn trăn trở về hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số đồng bộ và kết nối liên thông trong hệ thống y tế để nâng cao chất lượng điều hành và khám chữa bệnh, tăng mức độ hài lòng cho người bệnh.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại những vấn đề bất cập trong quá khứ có thể lặp lại. Ví dụ, nếu việc sửa đổi Luật Dược không thể đáp ứng tiến độ ban hành trong năm nay, không đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc…, thì đến ngày 31/12/2024, tình trạng thiếu thuốc sẽ tái diễn.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là vực dậy và củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Theo đại diện Tiểu ban Dược phẩm của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, báo chí không chỉ đồng hành với doanh nghiệp trong những vấn đề khó khăn trước mắt, mà còn phải thúc đẩy sự đồng bộ, nhất quán trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, giám sát việc thực thi, đồng thời mở đường cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư. Mỗi khi ban hành một chính sách nào đó, cần có sự đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan để đạt được các mục tiêu tổng thể, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Trong quá trình đó, các cơ quan báo chí sẽ là diễn đàn để doanh nghiệp có cơ hội tương tác, kiến nghị, đề xuất với người làm luật.