Nhà đầu tư Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đang gặp nhiều khó khăn chồng chất |
Không bỏ trạm thu giá
Báo Đấu thầu đã nhiều lần phản ánh về khó khăn chồng chất của Nhà đầu tư tại dự án này khi chỉ được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý cho thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, thay vì 2 trạm theo phương án hoàn vốn Dự án (QL3 đoạn Km75 - Km100 được Nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng lại không thu phí).
Tại Cuộc họp, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thay mặt cho Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đề xuất 2 phương án thu giá dịch vụ hoàn vốn cho dự án này. Phương án thứ nhất là thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký giữa Nhà đầu tư và Bộ GTVT với việc thu giá ở cả 2 trạm, miễn giảm cho các phương tiện khu vực lân cận trạm theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên. Đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận nói trên) thì giảm 30% giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Thời gian hoàn vốn của Dự án theo phương án này tăng từ 16 năm 1 tháng lên 19 năm 5 tháng.
Phương án thứ 2 là, theo kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện miễn giảm như phương án 1, đồng thời bổ sung nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 đoạn từ đèo Khế đến Bờ Đậu với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đa số ý kiến đều cho rằng, phương án 1 sẽ khả thi hơn vì vẫn nằm trong các điều khoản thực hiện hợp đồng BOT của Dự án, không vướng mắc về pháp lý, lại dễ nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội do mức thu giá đã giảm tối đa. Còn phương án 2 sẽ phát sinh “nhiều rắc rối” về mặt pháp lý khi lấy tiền từ dự án này đầu tư sang dự án khác, không phù hợp với Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà đầu tư đã đầu tư vào QL3 đoạn từ Km75 - Km100 và nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, không có lý do gì lại bỏ trạm thu giá trên QL3. Vấn đề là cần phải công khai thời gian thu phí, mức giảm giá tại trạm này để người dân và xã hội được biết.
Còn ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, không thể có chuyện bỏ trạm thu giá hoàn vốn Dự án và cũng không thể có chuyện Nhà nước đứng ra mua lại Dự án. Phương án khả thi là giữ nguyên 2 trạm thu giá hoàn vốn cho Dự án như hợp đồng và tiến hành miễn, giảm giá cho các phương tiện giao thông và người dân khu vực lân cận.
Giảm giá tối đa tại trạm thu giá Quốc lộ 3
Báo cáo tại Cuộc họp, đại diện Liên danh nhà đầu tư cho biết, do tính chất trạm thu giá theo lượt không thể bảo đảm công bằng tuyệt đối, đặc biệt là đối với người dân khu vực lân cận trạm, nên Nhà đầu tư đã phối hợp với địa phương thống nhất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho người dân lân cận trạm thu giá trên QL3 (các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và TP. Thái Nguyên) với phạm vi giảm giá khoảng 30 km, đây là phạm vi giảm giá lớn nhất cả nước.
Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, chính quyền địa phương rất ủng hộ Nhà đầu tư và phương án hoàn vốn cho Dự án thông qua 2 trạm thu giá đã được thống nhất từ đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người dân, nên phải đưa vào chủ trương miễn giảm sớm để tuyên truyền người dân được biết và ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định, phương án giữ nguyên 2 trạm thu giá theo hợp đồng và giảm giá tại trạm trên QL3 là khả thi nhất trong các phương án được đưa ra. Nếu không sớm thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho Nhà đầu tư, sẽ làm tăng lãi vay ngân hàng, tăng chi phí đầu tư Dự án. Sức chịu đựng của Nhà đầu tư có hạn, không nên đẩy Nhà đầu tư vào bước đường cùng. Vấn đề là chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền với người dân, chia sẻ khó khăn với Nhà đầu tư.
Cuộc họp thống nhất giao cho các chủ thể liên quan hoàn tất các nội dung phương án cụ thể để Dự án sớm được thu phí hoàn vốn trong tháng 6/2018.