Lời giải nào cho bài toán BOT Thái Nguyên - Chợ Mới?

(BĐT) - Bị mắc kẹt ở Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vì sau 9 tháng thông xe vẫn chưa được thu phí (giá) hoàn vốn, Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc mới đây đã đề xuất 3 phương án xử lý đối với tuyến BOT này. 
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kết hợp nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 đã hoàn thành và thông xe từ tháng 3/2017 (Ảnh nhà đầu tư cung cấp)
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kết hợp nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 đã hoàn thành và thông xe từ tháng 3/2017 (Ảnh nhà đầu tư cung cấp)

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, các phương án này đều khó khả thi.

3 phương án đều khó khả thi

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kết hợp nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 (QL3) đoạn Km75 - Km100 đã hoàn thành và thông xe từ tháng 3/2017. Tuy nhiên, đến nay, Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vẫn chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận cho thu giá hoàn vốn đầu tư. Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cienco4, việc chậm thu giá hoàn vốn cho Dự án BOT nói trên đang đẩy nhà đầu tư đến cảnh vỡ nợ trước áp lực phải trả lãi vay ngân hàng, vì bình quân mỗi tháng Nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay, cộng dồn từ đầu năm đến nay khoảng hơn 200 tỷ đồng. Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Thái Nguyên – 2 địa phương có Dự án đi qua, Nhà đầu tư đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) 3 phương án xử lý cho việc hoàn vốn tuyến BOT này. Thứ nhất là giữ nguyên 2 trạm thu giá (một trạm đặt trên QL3 cũ và một trạm trên QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới) theo hợp đồng đã ký kết. Thứ 2 là Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá. Trường hợp phương án tài chính không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách cho Nhà đầu tư. Thứ ba là Nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ Dự án (khoảng gần 3.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cả 3 phương án mà Nhà đầu tư đề xuất đều khó khả thi trong bối cảnh hiện nay. Nếu giữ nguyên 2 trạm thu giá theo hợp đồng thì BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có nguy cơ cao lặp lại “kịch bản” của tuyến BOT Cai Lậy với sự phản ứng của người dân. Trường hợp chỉ cho phép Nhà đầu tư đặt 1 trạm thu phí trên QL3 mới thì doanh thu không đủ để hoàn vốn đầu tư. Còn việc mua lại toàn bộ Dự án với khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng thì rất khó vì chưa biết lấy ngân sách ở đâu để bù đắp. 

Vẫn loay hoay tìm đáp án

Chiều ngày 13/12/2017, trả lời Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND tỉnh Bắc Kạn, việc khẩn cầu thu phí của Liên danh nhà đầu tư, chiều ngày 12/12/2017, Bộ GTVT đã tổ chức họp với các bên liên quan, có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, UBND các địa phương để tìm “lời giải” cho bài toán BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, song hiện vẫn chưa có “đáp số” cuối cùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cầu đường cho rằng, câu chuyện BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Cai Lậy và nhiều tuyến BOT khác vốn là câu chuyện của quá khứ. Cái sai ở đây (nếu có) thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc “chữa cháy”, tìm ra một phương án phù hợp trong bối cảnh hiện tại khá khó khăn và ít nhiều sẽ bị vướng. Tuy nhiên, đề xuất phương án xử lý nào cũng cần dựa vào nguyên tắc, những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và cần có sự thống nhất cao của các bên liên quan. Không có lý do gì mà nhà đầu tư đã bỏ tiền đầu tư, hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng mà không được thu phí. Đây không phải là câu chuyện riêng của nhà đầu tư, mà là trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương có dự án đi qua. Vì thế, khi thực tế phát sinh những vấn đề vướng mắc, các bên liên quan cần vào cuộc để sớm giải quyết vấn đề, không nên né tránh, bỏ mặc Nhà đầu tư vì hệ lụy sẽ rất lớn.