Khai thác sử dụng từ ngày 18/5/2017 nhưng Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa được phép thu giá dịch vụ. Ảnh: Long Nguyễn |
Vẫn chưa được thu phí
Ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT đã giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực miền núi phía Bắc nói chung và 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn nói riêng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.
Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đã hoàn thành Dự án, đưa vào vận hành, khai thác sử dụng từ tháng 5/2017, giảm thời gian xe chạy từ Thái Nguyên - Bắc Kạn khoảng 1 giờ đồng hồ, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, Dự án Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ mới được đầu tư xây dựng đến huyện Chợ Mới, còn cách TP. Bắc Kạn khoảng 37 km, các đoạn còn lại giao thông rất khó khăn. Do vậy, chưa phát huy được tối đa hiệu quả khai thác toàn tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và kết nối giao thông các tỉnh trong vùng. Để khai thác hiệu quả tuyến đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT sớm xem xét cho phép đầu tư tuyến đường Quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới đến TP. Bắc Kạn.
Trước đó, ngày 8/11/2017, Liên danh nhà đầu tư đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng BOT dự án trên. Liên danh nhà đầu tư cho biết, mặc dù được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 18/5/2017 nhưng đến nay, Dự án vẫn chưa được Bộ GTVT cho phép thu giá dịch vụ để có doanh thu hoàn vốn, do đợi văn bản thỏa thuận giảm giá từ địa phương.
Nguy cơ vỡ nợ
Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, Liên danh nhà đầu tư cho biết, Điều 69 của Hợp đồng BOT được ký kết giữa Bộ GTVT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nêu rõ: “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho Nhà đầu tư theo tính toán tại phương án tài chính trong Hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng Nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ cho Nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho Nhà đầu tư”.
Liên danh nhà đầu tư khẳng định, đến nay vẫn chưa có doanh thu để hoàn vốn, chứ chưa nói đến lợi nhuận, trong khi đó vẫn phải trả nợ lãi vay cho ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng), trả chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án và chi phí thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường (khoảng 0,7 tỷ đồng/tháng). Đến nay, tổng các con số này đã phải chi trả trên 160 tỷ đồng và bắt đầu từ tháng 11/2017, Liên danh nhà đầu tư phải chi trả cả nợ gốc. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nhà đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng về việc hỗ trợ Nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận, cho phép thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn.
Liên danh nhà đầu tư cũng cho biết, do không đủ kinh phí để chi trả cho đơn vị quản lý và bảo trì tuyến đường, Nhà đầu tư không thể đảm bảo và có thể xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông cho các phương tiện đang hoạt động trên tuyến đường BOT này. Vì vậy, Nhà đầu tư xin phép Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tạm thời ngừng vận hành khai thác Dự án trong khi chờ được tổ chức thu giá dịch vụ hoàn vốn.