Vào đầu thập niên 2000, cụm từ “thập kỷ mất mát” bắt đầu được sử dụng để nói về sự suy thoái của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 1990. Thập kỷ mất mát này khởi đầu với một trong những bong bóng chứng khoán lớn nhất trong lịch sử. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã chạm mốc cao nhất mọi thời đại là 38.916 điểm vào tháng 12/1989 nhưng sau đó lao dốc 80% xuống mức thấp kỷ lục là 7.831 điểm vào tháng 4/2003.
Nhưng thập kỷ mất mát không chỉ là về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Nhật Bản còn phải chứng kiến giá bất động sản giảm, lãi suất giảm, thất nghiệp tăng, GDP trì trệ và dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác. Nói tóm lại, Nhật Bản có mọi đặc điểm của một cuộc suy thoái lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1930.
Những tưởng “thập kỷ mất mát” sẽ kết thúc như nhiều chu kỳ khủng hoảng khác, nhưng một thập kỷ nữa đến rồi đi và kinh tế Nhật vẫn chìm trong suy thoái. Ngày nay, sau hơn 26 năm bong bóng chứng khoán nổ ra ở Nhật Bản, nước này vẫn tiếp tục vật lộn với giảm phát, lãi suất 0%, hệ thống ngân hàng ốm yếu, dân số già hóa, tăng trưởng âm. Dù đã bước sang thập kỷ suy thoái thứ ba nhưng Nhật Bản vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế và thị trường trái phiếu lớn thứ ba thế giới và là nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất trong các nước phát triển.
Vào tháng 12/2012, thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền và cam kết sẽ làm hồi sinh kinh tế Nhật Bản. Ông đề ra chương trình “ba mũi tên” mang tên Abenomics. Mũi tên thứ nhất là chính sách tiền tệ: triển khai in tiền gần như không giới hạn hay còn gọi là nới lỏng định lượng.
Mũi tên thứ hai là chính sách tài khóa. Chính sách này bao gồm việc giảm thuế và chi tiêu công nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Mũi tên thứ ba là tái cấu trúc nền kinh tế được bảo hộ quá mức và bị nhiều luật lệ kìm hãm của Nhật Bản.
Mũi tên thứ nhất được bắn ra gần như ngay lập tức. Mục tiêu nhãn tiền của chính sách nới lỏng tiền tệ là giảm giá đồng yên so với đồng USD và tiền tệ của các đối thủ xuất khẩu ở Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Vào tháng 12/2012, tỷ giá đồng yên/USD rơi vào khoảng 75:1. Cho đến giữa năm 2014, tỷ giá đã giảm xuống 100:1, rồi tụt mạnh nữa xuống 120:1 vào cuối tháng 12/2014. Hiện nay, tỷ giá đồng yên/USD ở quanh mức 112:1. Trong thời gian trên, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản cũng đã ít nhiều gia tăng theo. Ở chừng mực nào đó, mũi tên thứ nhất đã trúng đích, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, mũi tên thứ hai, chính sách tài khóa, đã chệch hướng. Thay vì sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế và kích cầu, Nhật Bản lại tăng thuế tiêu dùng, làm phanh lại đột ngột nền kinh tế vốn đã trì trệ của nước này. GDP của Nhật Bản đã giảm 1,9% trong quý hai năm 2014 và giảm thêm 0,6% trong quý ba cùng năm. Đây là đợt suy thoái thứ hai của Nhật Bản trong vòng có hai năm. Mặc dù tăng trưởng đã tăng trở lại trong quý bốn năm 2014, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn là 0,4%.
Mũi tên thứ ba của Abenomics, cải cách cấu trúc, chưa bao giờ được bắn ra. Cải cách cấu trúc là về các vấn đề như nhập cư, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, cải thiện hiệu suất của mạng lưới phân phối bán lẻ và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Điều này có vai trò sống còn vì cải cách cấu trúc là giải pháp dài hạn duy nhất cho tình trạng suy thoái kinh tế của Nhật Bản.
Suy thoái khác với các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ kinh doanh vì chúng là kết quả của những rào cản cấu trúc với tăng trưởng mà kìm hãm sự hình thành vốn, đầu tư và việc làm. Các chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ có thể đem lại giải pháp tình thế và tác dụng của chúng sẽ giảm dần theo thời gian. Một vấn đề mang tính cấu trúc phải được giải quyết bằng một biện pháp mang tính cấu trúc tương ứng.
Với việc áp dụng lãi suất âm và cải cách cấu trúc chưa được thực hiện, triển vọng phục hồi của Nhật Bản đang trở nên xa vời. Công cụ chính sách duy nhất của nước này chỉ là phá giá đồng yên. Mục đích của phá giá đồng yên là tăng lạm phát ở Nhật Bản dưới dạng giá hàng nhập khẩu tăng.
Sự gia tăng lạm phát này làm tăng trưởng danh nghĩa đi lên nhưng lại không có tác dụng lên tăng trưởng thực tế. Nhật Bản cần tăng trưởng thực tế để khắc phục khối nợ khổng lồ mà nay đã vượt quá 200% GDP.
Ngay cả chiến lược phá giá đồng yên cũng đang thất bại khi mà đồng yên đã tăng 8% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong 10 đồng tiền lớn của thế giới. Bất chấp việc áp dụng lãi suất âm kể từ tháng 1, giá đồng yên đã chạm mức cao nhất trong 17 tháng qua so với đồng USD.
Khi mà cả ba mũi tên của Abenomics đã rơi rụng theo các cách khác nhau, có vẻ như Nhật Bản vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát cho ba thập kỷ mất mát của mình.