Chủ trương giảm lãi suất, giảm chi phí giao dịch ngân hàng là cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Lê Tiên |
Để hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã áp dụng một số chính sách như miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử…
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 727/NHNN-TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Theo đó, miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ …
Trước đó, ngày 4/2/2020, Thống đốc NHNN đã có Văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại cuộc họp gần đây với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu mỗi tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng chương trình, kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo này của NHNN, một số nhà băng đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với việc phân loại cụ thể ngành hàng, phân khúc khách hàng theo các khoản vay.
Bình luận về động thái trên của ngành ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì doanh thu bán hàng giảm, một số ngành đã chịu tác động trực tiếp như vận tải, du lịch… Do đó, phân nhóm doanh nghiệp và khách hàng thực sự gặp khó khăn để áp dụng các giải pháp như gia hạn nợ, tăng cường các khoản vay hỗ trợ lãi suất là cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt khó.
Tuy nhiên, chưa nên tính đến giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ một cách tổng thể cho cả nền kinh tế. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay cũng đang ở mức thấp, cân đối với chi phí huy động và chi phí vận hành thì thực tế ngân hàng không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất trên diện rộng.
Ông Độ phân tích: “Thực tế việc áp dụng các chính sách giãn nợ, ưu đãi lãi vay cũng có thể ảnh hưởng đến thực trạng tài chính của các TCTD. Do đó, chỉ có các TCTD mới hiểu rõ và làm tốt việc phân loại đối tượng cần hỗ trợ, kênh và hình thức hỗ trợ để đúng, trúng và bớt thiệt thòi cho chính tổ chức tín dụng đó”.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, chủ trương giảm lãi suất, giảm chi phí giao dịch ngân hàng là cần thiết, còn việc can thiệp thị trường bằng các chính sách nới lỏng tiền tệ chưa hẳn là hiệu quả ở thời điểm này.
“Tôi nghĩ là nhiều ngân hàng thương mại đã có kế hoạch hỗ trợ khách hàng của họ. Kế hoạch này sẽ được thực hiện với cân nhắc thận trọng về năng lực tài chính của chính ngân hàng và hiệu quả thực tế của các giải pháp. Theo tôi, các ngân hàng thương mại đã và đang làm tốt việc này, chỉ khi nào các nhà băng cảm thấy đuối sức thì NHNN mới nên tính đến các giải pháp nới lỏng tiền tệ. Còn ở thời điểm hiện nay, nếu áp dụng các giải pháp nới lỏng thì chưa chắc đã mang lại kết quả tích cực mà có khi thành dư thừa và bị lợi dụng”, ông Tín nhấn mạnh.