Đã giao hết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020

(BĐT) - Ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. 100% số vốn đã được giao hết, việc phân bổ chi tiết phụ thuộc hoàn toàn vào các bộ, ngành, địa phương.
Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công cần ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên
Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công cần ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên

Thông tin trên được ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu. 

Giao một lần hết 100% vốn

Theo ông Trần Quốc Phương, về nguyên tắc, Luật Đầu tư công (ĐTC) số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 nên việc giao kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 vẫn thực hiện theo Luật ĐTC số 49/2014/QH13. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 sẽ theo quy định của Luật ĐTC số 39/2019/QH14 từ ngày 1/1/2020. Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng ngay quy định của Luật ĐTC số 39/2019/QH14 về trình tự lập, thẩm định và giao dự toán chi ĐTPT nguồn NSTW năm 2020.

Quốc hội đã đồng ý với đề nghị này, thể hiện tại Nghị quyết 87/2019/QH14 về phân bổ NSTW năm 2020 thông qua ngày 14/11/2019. Ngay sau khi Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu triển khai ngay, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết là: “Trước ngày 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”.

Ông Trần Quốc Phương cho biết, với Quyết định  được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/11, 100% số vốn kế hoạch năm 2020 là 220 nghìn tỷ đồng đã được giao hết. “Như vậy, vốn kế hoạch năm 2020 đã được Chính phủ giao hết trong một lần, không còn chuyện giao nhiều lần như những năm trước”, ông Phương khẳng định. 

Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết

Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, theo Nghị quyết số 87/2019/QH14 của Quốc hội, trước ngày 31/12/2019, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ KH&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.
Trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình hình giao kế hoạch vốn bằng nhiều biện pháp, nhưng việc giao kế hoạch vốn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều giữa cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương. Quan trọng nhất là, phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định pháp luật, thì khâu tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch mới nhanh, chính xác, đúng pháp luật được. Nếu có bất kỳ trường hợp nào chưa đúng nguyên tắc, tiêu chí, chưa đúng quy định pháp luật, thì cơ quan tổng hợp cũng không thể đơn phương tự triển khai, dẫn tới tình trạng giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần... Ông Trần Quốc Phương cho biết, với việc thực hiện quy trình giao vốn theo Luật ĐTC số 39/2019/QH14 thì sẽ không còn tình trạng này nữa.

Với tinh thần phân cấp mạnh, theo quy trình tại Luật ĐTC số 39/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ chỉ giao tổng mức, cơ cấu nguồn vốn, còn danh mục chi tiết và mức vốn của các dự án do các bộ, ngành, địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí, nguyên tắc theo quy định của pháp luật về ĐTC. Sự phân cấp mạnh mẽ này vừa giúp đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giao vốn, vừa nâng cao tính trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ chi tiết vốn.

Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn trong phân bổ chi tiết vốn theo quy định của pháp luật, không được giao dự án nằm ngoài danh mục đầu tư công trung hạn, giao quá hạn mức trung hạn, giao sai nguyên tắc, tiêu chí…

Ngoài ra, theo ông Phương, tổng mức vốn đã giao chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu, hụt khoảng 152 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án sẽ phải chuyển tiếp vào giai đoạn trung hạn sau. Các bộ, ngành, địa phương cần cân nhắc, lựa chọn dự án có tính ưu tiên cao, phân bổ vốn tập trung để sớm hoàn thành công trình, dự án...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, tuy số vốn bố trí cho năm 2020 là 220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với dự toán năm 2019, nhưng sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của NSTW chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng. Vì thế, việc phân bổ cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm các công trình trọng điểm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả...

Tin cùng chuyên mục