Quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tại Luật PPP là nội dung được các nhà đầu tư dự án đặc biệt quan tâm. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã lựa chọn nhà đầu tư sẽ gặp tình huống lựa chọn xong nhà đầu tư nhưng chưa ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Theo quy định chuyển tiếp “trường hợp đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng việc đàm phán, ký kết hợp đồng được thực hiện sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của Luật này mà không dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Huy đặt vấn đề đối với các dự án đã thực hiện nhưng chưa thu phí hay các dự án doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, nhà đầu tư thua lỗ, có thể phá sản… thì có thể áp dụng quy định của Luật PPP khi Luật có hiệu lực hay không?
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu là nội dung mà nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất và rất kỳ vọng những dự án đang triển khai được áp dụng cơ chế của Luật PPP.
Dù nhà đầu tư rất kỳ vọng, nhưng ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, các dự án đã ký hợp đồng rồi, các dự án đang thu phí thì không đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP. Với các dự án này cần xử lý vấn đề phát sinh theo hợp đồng đã ký. Với những vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan ký kết hợp đồng thì cần báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý.
Đối với các dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương khuyến nghị nếu các hồ sơ mời thầu đang được chuẩn bị để phát hành hoặc hợp đồng PPP chưa ký trước ngày Luật PPP có hiệu lực, nên cập nhật trước các nội dung của Luật nếu có thể. Những nội dung thuận lợi cho thực hiện dự án cho cả đối tác công và tư mà không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì trong trường hợp Luật chưa có hiệu lực vẫn có thể đưa sớm vào hợp đồng để khi đàm phán hợp đồng trong giai đoạn Luật có hiệu lực sẽ không phải điều chỉnh.
Điều 101 của Luật PPP đã quy định rõ về chuyển tiếp đối với các dự án thuộc lĩnh vực và đáp ứng quy mô của Luật; dự án không thuộc lĩnh vực và không đáp ứng quy mô thực hiện PPP; dự án PPP đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; chuyển tiếp dự án BT.
Khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật PPP, vấn đề xử lý chuyển tiếp là một trong những nội dung mà cơ quan soạn thảo rất quan tâm. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp, thống kê các trường hợp có thể phát sinh trong quá trình chuyển tiếp Luật. Trong đó Bộ Công Thương tổng hợp đối với các dự án BOT điện đang đàm phán hợp đồng; Bộ Giao thông vận tải tổng hợp các dự án giao thông đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; các địa phương rà soát các dự án BT đang thực hiện và dự án PPP không thuộc lĩnh vực hoặc không đáp ứng quy mô hạn mức tối thiểu theo quy định tại Luật PPP…
Thông tin tới một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Sơn La, Quảng Ninh… về việc các dự án thu hút vốn tư nhân nếu không đạt quy mô tối thiểu, không thuộc lĩnh vực thực hiện PPP thì sẽ thực hiện theo hình thức nào sau khi Luật PPP có hiệu lực, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, các dự án này sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư hoặc các quy định của pháp luật về xã hội hóa.