Luật PPP vừa mở ra cơ chế hấp dẫn thu hút nguồn vốn tư nhân, vừa bảo đảm giám sát chặt chẽ nguồn lực Nhà nước tham gia vào dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Bài học kinh nghiệm đúc rút sau nhiều năm thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng, với cả thành công và thất bại, giúp Luật tháo gỡ trực diện những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn, kế thừa những quy định tốt đang triển khai, đồng thời kiến tạo những cơ chế, chính sách mới cho thu hút vốn tư nhân.
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Luật PPP được kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án hạ tầng lớn cũng như tạo nhiều cơ hội cho họ.
Luật PPP có nhiều điểm mới, từ lĩnh vực, quy mô đầu tư, phân loại dự án, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vốn nhà nước tham gia… Trong đó có những quy định mang tính đột phá mà trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo đã phải tham vấn rất kỹ càng, nhiều chiều, nghiên cứu từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn trong nước. Các quy định có thể hài hòa lợi ích, vừa mở ra cơ chế hấp dẫn thu hút nguồn vốn tư nhân, vừa bảo đảm giám sát chặt chẽ nguồn lực Nhà nước tham gia, hiệu quả của dự án PPP.
Có thể kể đến hai điểm đột phá là quy định về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Quy định về kiểm toán phù hợp tính chất dự án PPP
Luật PPP quy định, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Luật và kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.
Phần vốn đầu tư của tư nhân cũng được thực hiện kiểm toán với hình thức kiểm toán độc lập. Luật PPP quy định, cơ quan ký kết hợp đồng trong đó có thỏa thuận với doanh nghiệp dự án PPP về việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng.
Theo Bộ KH&ĐT, về bản chất, dự án PPP không hoàn toàn là dự án đầu tư công hay đầu tư tư nhân mà là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan. Với quy định tại Luật PPP, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước sẽ vừa bảo đảm việc giám sát chặt chẽ, vừa bảo đảm đúng bản chất, yêu cầu của dự án PPP. Đồng thời, việc quy định rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập tại Luật phù hợp với tính chất đặc thù của dự án PPP có sự tham gia vốn đầu tư từ cả phía Nhà nước và khu vực tư nhân.
Bên cạnh hoạt động kiểm toán, Chương VIII của Luật quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.
Chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích
Luật PPP đã quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu - nội dung mới, khó nhưng rất quan trọng và cần thiết, được đánh giá cao, nhận được nhiều sự đồng thuận. Cơ quan soạn thảo Luật khẳng định, đây không phải là cơ chế “bảo lãnh”, mà là “chia sẻ” rủi ro một cách phù hợp với nhà đầu tư khi có những thay đổi từ phía Nhà nước, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, còn rủi ro thị trường thì nhà đầu tư phải chịu.
Theo đó, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu. Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước.
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP đủ điều kiện và trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ, năm 2018, trong số 52 dự án BOT giao thông đã đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng so với phương án tài chính ban đầu (trung bình tăng khoảng 18%), 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu (trung bình giảm khoảng 26%). Một số ý kiến đánh giá, việc xác định ngưỡng 75% và 125% để chia sẻ rủi ro tại Luật PPP là tương đối phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại của phương thức đầu tư này tại Việt Nam, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.