Đà Nẵng: “Báo động đỏ” giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết tháng 11/2022, giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng mới đạt 4.025 tỷ đồng, bằng 67,5% kế hoạch Trung ương giao và bằng 51% kế hoạch HĐND Thành phố giao. Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng và do nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu.
Đường tỉnh 601 thi công chậm tiến độ, bị xói lở bởi nước lũ khiến dư luận nghi vấn về chất lượng công trình. Ảnh: Hà Minh
Đường tỉnh 601 thi công chậm tiến độ, bị xói lở bởi nước lũ khiến dư luận nghi vấn về chất lượng công trình. Ảnh: Hà Minh

Tăng chi phí đền bù, vẫn chậm tiến độ

Trái ngược với tinh thần khẩn trương tại những cuộc họp của lãnh đạo TP. Đà Nẵng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trên công trường các dự án, nhiều gói thầu “dậm chân tại chỗ”, có dự án “đóng băng” tiến độ.

Hiện nay, Dự án Tuyến đường trục I Tây Bắc (từ nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1A đến đường sắt) đang bị dừng thi công do không có mặt bằng. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng, đã được điều chỉnh lên 966 tỷ đồng do trượt giá đền bù giải phóng mặt bằng.

Hai nhà thầu thi công gồm: Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng miền Trung - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Phát triển năng lượng Đà Nẵng (thi công Gói thầu số 1) và Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng miền Trung - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy (thi công Gói thầu số 2). Đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị thực hiện phần xây lắp thi công của Dự án mới đạt gần 30 tỷ đồng. “Dự án nhiều khả năng không kịp về đích như kế hoạch ấn định của UBND Thành phố là cuối tháng 6/2023”, đại diện Chủ đầu tư thừa nhận.

Cùng chung tình trạng “đội vốn” là Dự án đường ĐT.601. Dự án có chiều dài 35,681 km, tổng mức đầu tư 643,5 tỷ đồng, đã được “bơm” thêm 81 tỷ đồng do phát sinh chi phí đền bù, giải tỏa, nâng tổng mức đầu tư lên gần 725 tỷ đồng. Dự án gồm 13 gói thầu, trong đó có 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu Thi công hạng mục giao thông, thoát nước, cấp nước, cây xanh đoạn Km0 - Km5+096.35 do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 126 - Công ty CP Đầu tư công trình đô thị Đà Nẵng - Công ty CP Xây dựng công trình thuỷ Hà Nội trúng thầu với giá 170,848 tỷ đồng (giá gói thầu 172,458 tỷ đồng); Gói thầu Thi công hạng mục giao thông, thoát nước đoạn Km5+096.35 - Km10+290.04 do Liên danh Công ty CP Lê Vũ - Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu với giá 72,196 tỷ đồng (giá dự toán 76,236 tỷ đồng).

Theo hợp đồng, thời gian thi công từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khối lượng thi công mới đạt trên 65% kế hoạch. Ngoài ra, công trình này còn ghi nhận tình trạng sạt lở, hư hỏng tại nhiều vị trí sau mưa bão, cần nhiều thời gian để khắc phục.

Nguy cơ “vỡ” kế hoạch giải ngân

Bên cạnh những dự án vướng mặt bằng và “đội” vốn đầu tư, một số dự án không vướng mặt bằng nhưng tiến độ thi công vẫn chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng.

Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, trong 54 dự án sử dụng vốn đầu tư công đang triển khai, có 4 dự án không vướng mặt bằng nhưng vẫn chậm. Đó là, Dự án Đường vành đai phía Tây (1.134 tỷ đồng) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) thi công; Dự án Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng do Liên danh Công ty CP Công nghệ quốc gia - Công ty CP Công nghệ và Xây dựng Sông Hồng - Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Vạn Lộc thi công (Gói thầu Xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị có giá trị 425,899 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng do Liên danh Vinaconex 25 - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Bạch Đằng Đà Nẵng thi công…

Sốt ruột trước tình trạng tiền có sẵn để chờ thanh quyết toán, mặt bằng sạch được bàn giao nhưng công trình vẫn chậm tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu các ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu, tập trung vật lực, lập kế hoạch tiến độ chi tiết, đảm bảo nguồn nhân lực để tổ chức thi công 3 ca, đẩy nhanh thi công hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ đã cam kết.

Đối với các nhà thầu chây ì, không đảm bảo năng lực thi công hoàn thành các gói thầu, cần kiên quyết chấm dứt và xử phạt hợp đồng theo quy định. Yêu cầu các chủ đầu tư quy định cụ thể biện pháp xử phạt vi phạm hợp đồng tư vấn, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về công tác tư vấn xây dựng, xử lý nghiêm trường hợp các đơn vị tư vấn không đáp ứng yêu cầu làm ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình bằng các biện pháp: xử phạt vi phạm hành chính; hạn chế tham gia tư vấn xây dựng trên địa bàn Thành phố; xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với những cá nhân tham gia hoạt động tư vấn cố tình để xảy ra sai phạm.

Tin cùng chuyên mục