Đà Nẵng: Thiếu trầm trọng đất, đá cho các công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu dân cư đang được triển khai đồng loạt tại TP. Đà Nẵng cần nguồn cung rất lớn về vật liệu đắp nền. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác mới, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu đang phải chờ Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt.
Một điểm khai thác vật liệu đá xây dựng tại Đà Nẵng. Ảnh: Minh Hà
Một điểm khai thác vật liệu đá xây dựng tại Đà Nẵng. Ảnh: Minh Hà

Từ đầu năm đến nay, các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Đà Nẵng có sử dụng vật liệu đá cấp phối bị thiếu hụt nguồn cung. Nhiều dự án cần đá dăm cấp khối (k98) phải đặt cọc với chủ mỏ khai thác từ vài tháng trước mới có nguồn vật liệu để thi công. Nguyên nhân là khối lượng đá được khai thác gần như tập trung cho thi công các hạng mục kè chắn sóng, đê chắn sóng, đường giao thông kết nối tại Dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (Chủ đầu tư), từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2025, công trình này cần khoảng 1,6 triệu m3 đá, 67.416 m3 đất san lấp để thi công. Bên cạnh đó, cần 242.982 m3 đất san lấp, 204.192 m3 đá để thi công tuyến đường ven biển nối bến cảng Liên Chiểu và 329.086 m3 đất san lấp để thi công Dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường ĐH2 mở rộng và Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3).

Trong khi đó, các dự án như cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng làm Chủ đầu tư từ nay đến năm 2025 cần 129.140 m3 đất san lấp và 77.868 m3 đá để thi công; Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2) và Tiểu dự án 1 Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò cũng cần khối lượng lớn đất đá.

Đối với các dự án: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), Tuyến đường vành đai phía Tây 1, Khu tái định cư Hòa Khương 2, Tuyến kênh thoát nước từ khu tái định cư Hòa Nhơn đến sông Túy Loan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (Chủ đầu tư) cho biết, từ nay đến năm 2025 cần 687.497 m3 đất san lấp và 56.677 m3 đá xây dựng phục vụ thi công.

Thống kê sơ bộ nhu cầu của các dự án trên cho thấy, vật liệu đá cần gần 2 triệu m3 và hơn 1,435 triệu m3 đất. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đà Nẵng, hiện trên địa bàn Thành phố chỉ có 9 mỏ đá xây dựng đang hoạt động với công suất khai thác 851.500 m3/năm và 1 mỏ đất công suất 200.000 m3/năm.

Để bổ sung nguồn vật liệu đang bị thiếu hụt, Sở TNMT Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố nâng công suất khai thác cho 4 đơn vị đang khai thác mỏ đá: Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng; Công ty TNHH Quang Hưng; Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản; Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng miền Nam Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo UBND TP. Đà Nẵng, việc cho phép gia hạn và nâng công suất chỉ được xem xét, xử lý sau khi Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch phân khu được phê duyệt.

Dự báo, nhu cầu đá xây dựng tại Đà Nẵng đến năm 2030 cần khoảng 17,136 triệu m3, đối với đất san lấp là 40,3 triệu m3. Để bảo đảm nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Sở TNMT đã tích hợp phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đá xây dựng quy hoạch 14 vị trí, tổng diện tích 452,3 ha, trữ lượng 87,324 triệu m3; đất san lấp quy hoạch 16 khu vực, tổng diện tích 847,8 ha, trữ lượng dự báo 84,820 triệu m3. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác mới, nâng công suất khai thác cũng đang phải chờ Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt.

Được biết, Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua tháng 1/2023; UBND Thành phố thống nhất tháng 2/2023; Hội đồng nhân dân Thành phố có Nghị quyết thông qua tháng 3/2023. Quy hoạch này đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục