Đa số dự án BOT giao thông tiếp tục khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, các dự án BOT giao thông liên tục gặp khó khăn trong quá trình vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải hợp lý để tháo gỡ thế bế tắc cho nhà đầu tư.
Năm 2020 và năm 2021, số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020 và năm 2021, số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư dự án BOT giao thông cho biết, theo thời gian, khó khăn cũ chưa được giải quyết, khó khăn mới liên tục phát sinh. Trong khi bị hụt doanh thu trầm trọng thì các nhà đầu tư không được đối xử bình đẳng trong hợp đồng BOT đã ký, không được tăng giá vé theo lộ trình đã ghi trong hợp đồng, ngân hàng không có chính sách cơ cấu lại nhóm nợ hoặc giãn nợ theo phương án tài chính thực tế...

Các nhà đầu tư, hiệp hội đã cầu cứu bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội nhưng đến nay chưa thấy “đầu ra” cho bài toán khó. Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có nhiều cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ nhưng đến nay, chưa có chính sách khả thi nào được thực thi khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào khủng hoảng về tài chính.

Thông tin với Báo Đấu thầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết, hiện nay, cả nước có 56 dự án BOT giao thông đang thu phí hoàn vốn. Trong đó, có nhiều dự án nằm trong lộ trình điều chỉnh tăng giá vé nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Năm 2021, TCĐB đã xây dựng phương án điều chỉnh giá vé báo cáo Bộ GTVT, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó có thể thực hiện trong năm 2021.

Hiện nay, số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ ở các dự án BOT đang bị giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng. Nguyên nhân là lưu lượng xe và doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến; các trạm thu phí phải giảm giá theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP; giảm giá vùng lân cận trạm thu phí và giảm giá chung theo chỉ đạo của Bộ GTVT; dự án không thực hiện tăng giá theo lộ trình tại hợp đồng dự án…

Số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ ở các dự án BOT đang bị giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng. Nguyên nhân là lưu lượng xe và doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến; các trạm thu phí phải giảm giá theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP; giảm giá vùng lân cận trạm thu phí và giảm giá chung theo chỉ đạo của Bộ GTVT...

Bên cạnh đó, thời gian thu phí của một số trạm thu phí thực tế chậm hơn so với quy định tại hợp đồng dự án như Trạm Quốc lộ 3 cũ thuộc Dự án Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Trạm Ninh Xuân, Dự án BOT Quốc lộ 26. Năm 2020 và 2021, số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội.

TCĐB cho biết, cơ quan này đã đánh giá số thu thực tế tại các trạm đang thu phí của 45 dự án từ năm 2019 đến hết tháng 9/2021. Theo đó, năm 2020, 17 dự án có số thu tăng trưởng dương, 28 dự án có tăng trưởng âm so với năm 2019. So sánh số thu thực tế 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019 thì 8 dự án tăng trưởng dương, 37 dự án tăng trưởng âm. So sánh số thu thực tế 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 thì 7 dự án có tăng trưởng dương, 38 dự án có tăng trưởng âm.

Theo các chuyên gia, đặc thù của các dự án BOT giao thông là có chi phí đầu tư lớn, thời gian hoạt động dài (từ 10 - 30 năm). Trong thời gian hoạt động có rất nhiều biến động làm ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn của dự án như: thay đổi về chính sách, biến động về lãi suất, thay đổi lưu lượng xe và số thu qua trạm thu phí....

Trước những khó khăn ngày càng nhiều của các dự án BOT giao thông, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm và nhất quán giữa các bộ, ngành, Trung ương và địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khơi thông nguồn lực đầu tư cho loại hình dự án này. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho các dự án BOT đang hoạt động và chuẩn bị triển khai để thu hút các dự án mới. Bên cạnh đó, mặc dù bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo lộ trình tăng giá theo hợp đồng dự án hoặc xây dựng phương án thương thảo với nhà đầu tư điều chỉnh lộ trình tăng giá.

Tin cùng chuyên mục