Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sáng 13/3. Ảnh: QH |
Ngày 13/3, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo có bốn điểm mới so với luật hiện hành, bao gồm: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
Nội dung tờ trình được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày cho thấy dự luật đã chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá và Luật phí và lệ phí. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
Ban soạn thảo dự luật đề xuất để các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư), hoặc tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, có văn bản thông qua chủ trương của hội đồng trường. Các cơ sở này được quyết định dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách để đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Các trường cũng được quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý.
Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành việc cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo. Ủy ban nhấn mạnh, đi đôi với cơ chế học phí cần quy định cơ chế kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.
"Ngoài ra, cần quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo", ông Bình nói.
Đại học được tự chủ mở ngành
Dự luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở ngành khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng, như: được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định. Riêng các ngành thuộc nhóm sức khỏe, khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng phải được Bộ trưởng Giáo dục ra quyết định cho phép mở ngành.
Chỉ tiêu tuyển sinh cũng được dự luật quy định rõ là phải xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đề xuất nói trên được Thường trực Ủy ban Văn hoá giáo dục đồng tình với đề nghị cần quy định rõ cơ chế giám sát, bảo đảm chất lượng để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ tuyển sinh, mở ngành theo khả năng đào tạo và nhu cầu thị trường thay vì xác định chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch tuyển sinh.
Hội đồng trường đại học công lập có 30% thành viên ngoài trường
Công tác quản trị đại học theo dự án luật được đổi mới theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (not for profit).
Đối với trường đại học công lập tự chủ, Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên là nhà khoa học, quản lý, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… ở ngoài trường. Những trường này phải có tối thiểu 25% là các giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu ở các khoa, bộ môn... Các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đào tạo nhân lực phục vụ an ninh quốc phòng theo chỉ tiêu nhà nước giao nên hội đồng trường do Thủ tướng quy định.
Đối với trường tư thục, dự luật bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu, bổ sung quy định cụ thể về đại hội đồng cổ đông và ban kiểm soát là những thiết chế quản trị đại học hiện đại, vận dụng theo cơ chế quản trị doanh nghiệp.
Đối với các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ, phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.
Chất lượng đào tạo phải tiệm cận chuẩn quốc tế
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở đã được xây dựng làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống.
"Dự thảo luật quy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ để đảm bảo chất lượng các ngành này", Bộ trưởng Giáo dục cho hay.
Hệ thống bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được quy định rõ theo xu hướng quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học có quyền thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định.
Dự luật cũng đề xuất việc phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học xây dựng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các quy định về kiểm định chất lượng được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong đó tổ chức kiểm định chất lượng phải độc lập với các cơ sở giáo dục đại học.
Luật Giáo dục đại học hiện hành được thông qua năm 2012, qua 5 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Dự án luật sửa đổi, bổ sung nếu đủ điều kiện sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-6 tới để xin ý kiến.