Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang |
Có thể kể đến một số công trình như: Dự án Tuyến giao thông nông thôn Vĩnh Lợi - Vĩnh Nhuận - Tân Phú; Dự án Nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 954 (đoạn qua thị trấn Phú Mỹ); Dự án Nâng cấp, mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948 thuộc tuyến quốc phòng an ninh vùng biên giới và dân tộc; kể cả các dự án sử dụng vốn hỗ trợ như: Tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long…
Trong khi đó, còn nhiều dự án gặp vướng mắc khi triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như: Dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Long Xuyên; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng; Dự án Đường tỉnh 943…
Kể từ tháng 5/2021 đến nay, An Giang nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, kéo theo tình trạng khó khăn trong di chuyển, huy động nhân công, phương tiện thi công. Đồng thời, do giá cả leo thang, nguồn hàng gián đoạn, vật liệu xây dựng không được cung ứng ổn định đã khiến công tác thi công gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Các nhà thầu thi công trong bối cảnh bị động, phát sinh chi phí lớn.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, An Giang yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc điều tra, kiểm đếm, khảo sát giá đất bồi thường sát với giá trị thực tế, hạn chế tăng chi phí bồi thường làm phát sinh thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Đồng thời, cần đề xuất, hướng dẫn thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo việc lưu thông của các nhà thầu thi công ngoài Tỉnh. Đặc biệt, phải đảm bảo việc cung ứng hàng hóa, vật liệu xây dựng được liên tục, hạn chế tối đa gián đoạn chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.