Đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp: Vì sao các nhà đầu tư chưa mặn mà?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 20/3/2023, mới có 1 nhà đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ dự án để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trong khi đó, đây là vấn đề các nhà đầu tư rất sốt sắng, bởi dự án chưa vận hành khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng khó khăn.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành từ 1,5 năm - 2 năm nhưng chưa được đưa vào vận hành. Ảnh: Huyền Trang
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành từ 1,5 năm - 2 năm nhưng chưa được đưa vào vận hành. Ảnh: Huyền Trang

Nhà đầu tư nêu bất cập về pháp lý và hiệu quả tài chính

Lên tiếng tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vừa được Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN tổ chức, nhiều nhà đầu tư cho biết, hiện có một số bất cập liên quan đến cơ chế giá phát điện cho các dự án này khiến họ chưa muốn gửi hồ sơ chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch Công ty CP Năng lượng T&T - chia sẻ, gần đây, chính sách áp dụng cho các dự án điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương ban hành, bao gồm: Thông tư số 15/2022/TT-BCT, Quyết định số 21/QĐ-BCT và Thông tư số 01/2023/TT-BCT. Tuy nhiên, các chính sách này khiến nhà đầu tư lo lắng và quan ngại do có điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư. Đây cũng chính là vấn đề mà 36 nhà đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp (trong đó có T&T) cùng ký tên vào văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề nghị sớm được khắc phục bất cập chính sách.

Đơn cử, Quyết định số 21/QĐ-BCT được ban hành có phần vội vàng, nhà đầu tư là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại không được tham vấn ý kiến. Về phương pháp tính giá điện có một số điểm chưa phù hợp với thực tế đầu tư.

Tại Thông tư 01/2023/TT-BCT, Bộ Công Thương bãi bỏ 3 quy định đã nêu trong các quy định trước đây: bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD; bãi bỏ điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận. “Như vậy, điện tái tạo dường như không còn được coi là nguồn điện ưu tiên phát triển khiến nhà đầu tư băn khoăn”, bà Bình bày tỏ.

Ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển dự án của Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital cho biết, hiện Tập đoàn có 4 dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành nhưng chưa vận hành thương mại kịp thời điểm kết thúc áp dụng cơ chế giá cố định (FIT). Tập đoàn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng chính sách cho các dự án điện chuyển tiếp vừa được Bộ Công Thương ban hành.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Từ vướng mắc đó, các nhà đầu tư kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục những bất cập chính sách, đảm bảo việc ban hành cơ chế giá phát điện cho dự án chuyển tiếp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như tạo môi trường thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT).

Cụ thể, các nhà đầu tư kiến nghị cần tính toán lại khung giá điện tại Quyết định số 21/QĐ-BCT nhằm ban hành khung giá điện mới phù hợp; đồng thời, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho dự án được chuyển đổi cũng như cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng.

“Nhà đầu tư mong muốn có cơ chế giá phù hợp với thực tế. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại cơ chế giá tại Quyết định số 21”, bà Bình đề nghị.

Làm rõ đề xuất cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng, bà Bình cho biết, việc xây dựng cơ chế giá mới cũng như đàm phán giá mua điện cụ thể theo khung giá với từng dự án chuyển tiếp sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cho phép dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng lên lưới và được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi hoàn tất đàm phán giá điện theo khung giá mới. Giải pháp này nhằm tránh lãng phí nguồn lực xã hội vì có nhiều dự án đã hoàn thành từ 1,5 năm - 2 năm nhưng chưa được đưa vào vận hành, trong khi EVN đang phải huy động các nguồn điện khác với giá cao hơn giá NLTT.

Ông Quang đề nghị, với các dự án đã hoàn thành đầu tư, đặc biệt là những dự án đã được chấp thuận nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương, EVN cho đóng điện và ghi nhận sản lượng để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đề xuất giá tạm tính cho các dự án điện chuyển tiếp, một số nhà đầu tư gợi ý, nhà đầu tư và EVN có thể ký hợp đồng với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu, tương ứng 6,2 cent/kWh.

Trước những đề xuất của nhà đầu tư, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương bày tỏ, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã rất nỗ lực để kịp đưa dự án hoặc một phần dự án vận hành kịp thời với thời điểm kết thúc giá FIT. Song cơ chế giá FIT chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, không kéo dài để đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ công nghệ cho NLTT, cần đối xử công bằng như các dự án nguồn điện khác, dù vẫn còn ưu đãi cho NLTT. Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi lớn nhất là giá FIT không còn mà chuyển sang đàm phán giá phát điện dựa trên các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và EVN.

Đối với những dự án hoặc phần dự án chưa kịp vận hành, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn. Hiện đã có văn bản đôn đốc EVN và các chủ đầu tư khẩn trương gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện trên cơ sở hướng dẫn nhằm sớm hoàn thiện thủ tục.

Tin cùng chuyên mục