Trạm thu phí Quán Hàu của Tập đoàn Trường Thịnh |
Cảm ơn nhưng…
Có những điểm giống nhau một cách kỳ lạ trong hai văn bản trả lời Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan đến đề xuất giảm mức phí đối với các phương tiện qua trạm thu phí Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình của Công ty cổ phần Tasco và Tập đoàn Trường Thịnh.
Cụ thể, trong Văn bản số 139/TĐTT - CV, bà Võ Thị Lan Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh - đơn vị đang khai thác Trạm thu phí Quán Hàu để hoàn vốn cho Dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 1, đoạn Km672 - Km704 cho biết, trong thời gian triển khai xây dựng Dự án, nhà đầu tư đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, phối hợp của chính quyền các cấp, cũng như nhân dân tỉnh Quảng Bình để công trình sớm hoàn thành và đưa vào khai thác.
Điều đáng nói là, mặc dù nói lời cảm ơn tới sự quan tâm của địa phương, của nhân dân trong tỉnh, nhưng nhà đầu tư gần như nói không với đề nghị giảm mức thu phí cho phương tiện giao thông khi lưu thông qua trạm thu phí của một số cá nhân, tổ chức và UBND tỉnh Quảng Bình.
Theo bà Lan Anh, mức giá thu phí đối với các loại xe được nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư số 93/2015/TT - BTC ngày 19/6/2015 của Bộ Tài chính, ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ Trạm thu phí Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình. Mức thu này, theo Tập đoàn Trường Thịnh là đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính tính toán cụ thể, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng hoàn vốn đầu tư dự án.
“Nếu điều chỉnh giảm theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, trong điều kiện hầu hết các phương tiện qua trạm thu phí là của tỉnh, thì Dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư, ngoài ra chưa xét đến tính khả thi của việc điều chỉnh mức phí 3 năm 1 lần”, bà Lan Anh lý giải.
Gửi đến Bộ GTVT chậm hơn 1 ngày, văn bản của Công ty cổ phần Tasco - nhà đầu tư đang vận hành trạm thu phí tại Km604 +700, Quốc lộ 1 để hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km650 và đoạn Km617 - Km641 (Quảng Bình), là “bản sao” văn bản của Tập đoàn Trường Thịnh, kể từ “lời cảm ơn” đến cách “đá quả bóng” trách nhiệm lên Bộ GTVT.
“Nếu điều chỉnh giảm theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, trong điều kiện hầu hết các phương tiện qua trạm thu phí là của tỉnh, thì Dự án sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư, ngoài ra chưa xét đến tính khả thi của việc điều của việc điều chỉnh mức phí 3 năm 1 lần”, ông Hoàng Hà Phương, Tổng giám đốc Tasco lý giải, đồng thời cũng lại “kính đề nghị” Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Theo các chuyên gia, hai văn bản một chín, một mười này thể hiện quan điểm thống nhất một cách tuyệt đối, nếu không muốn nói là đã “đạt được thỏa thuận ngầm” trong việc bác đề xuất của địa phương của hai nhà đầu tư.
Xung đột lợi ích?
Cần phải nói thêm rằng, kể từ ngày 1/1/2016, cả Trạm thu phí Quán Hàu và Trạm thu phí tại Km604 +700, Quốc lộ 1 đều đã tăng phí lên mức 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn/lượt.
Chỉ ít ngày sau khi mức phí được điều chỉnh tăng, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ GTVT, đề nghị giảm mức phí đối với phương tiện cá nhân tại các huyện có đặt trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, do trạm thu phí được đặt tại các trạm dẫn vào trung tâm huyện Quảng Ninh và huyện Quảng Trạch, nên phương tiện cá nhân của nhân dân địa phương đi lại hàng ngày phải thường xuyên qua trạm. Nhiều trường hợp không đi qua đoạn tuyến BOT hoặc chỉ đi qua đoạn ngắn trên tuyến BOT, nhưng vẫn phải nộp đủ phí. Đánh giá mức thu áp dụng từ ngày 1/1/2016 là quá cao so với thu nhập của người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là lý do khiến một số cá nhân tại huyện Quảng Ninh đã đưa phương tiện tới Trạm thu phí Quán Hàu để phản đối mức phí.
“Sau khi được lãnh đạo tỉnh giải thích, người dân đã giải tán, nhưng bức xúc trong nhân dân về mức thu phí mới của các trạm BOT vẫn còn và nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến trật tự xã hội”, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết.
Để cởi “nút thắt” này, vào tháng 1/2016, tỉnh Quảng Bình đề nghị giảm từ 40% - 50% mức phí theo giá mới cho các xe cá nhân từ 9 chỗ trở xuống thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh khi đi qua Trạm thu phí Quán Hàu và các loại xe nêu trên thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch khi đi qua Trạm thu phí của Tasco.
Đúng 1 tháng rưỡi sau, không nói rõ lý do, tại Văn bản số 198/UBND-XDCB ngày 17/2/2016, mức hỗ trợ này được UBND tỉnh Quảng Bình mở rộng cho tất cả các xe chở người từ 9 chỗ trở xuống và các xe chở hàng có trọng tải dưới 2 tấn trở xuống, có biển kiểm soát đăng ký trong tỉnh khi đi qua 2 trạm thu phí nói trên.
Trước đó, trong văn bản từ chối lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016 của Bộ GTVT, Tập đoàn Trường Thịnh cho rằng, việc tạm dừng thu phí đến 1/6/2016 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp dự án, bởi kể từ ngày công trình được đưa vào khai thác, nhà đầu tư đã phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc. Theo đó, lộ trình tăng phí gấp 3,5 lần mức thu phí cơ bản của Thông tư 90 được xác lập rất rõ trong hợp đồng BOT ký bởi nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính là cơ sở xây dựng phương án tài chính của Dự án cũng như hợp đồng tín dụng tài trợ vốn vay.
Liên quan tới Văn bản số 198/UBND-XDCB, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Tasco và Tập đoàn Trường Thịnh nghiên cứu đề nghị nêu trên của UBND tỉnh Quảng Bình.
Được biết, cũng liên quan tới vấn đề này, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và có đánh giá về mức phí của các dự án đối với người sử dụng, các ảnh hưởng đến các bên tham gia hợp đồng BOT như nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, lợi ích người dân...
“Trên cơ sở kết quả thực hiện, Bộ GTVT sẽ làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT xem xét, tính toán mức phí để đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ cho phù hợp”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.