Các blue-chips vẫn giảm nhiều hơn tăng, nhưng không có biến động giật cục trong ngày đáo hạn phái sinh. |
VN30-Index gần như không đổi trong đợt đóng cửa ATC dù vẫn có một vài cổ phiếu trụ biến động giật cục với khối lượng giao dịch lớn. Phiên đáo hạn phái sinh kết thúc êm đẹp do các mã lớn bù trừ cho nhau và VN-Index tăng vừa đủ để có màu xanh.
Hầu hết các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thường thay đổi thất thường. Hôm nay thì không, mức chênh lệch của chỉ số này giữa thời điểm cuối cùng đợt khớp lệnh liên tục và đợt đóng cửa ATC thậm chí còn biến động không quá 0,4 điểm.
Vẫn có một vài cổ phiếu trụ xuất hiện giao dịch lớn và giá thay đổi giật cục. VHM chốt đợt khớp lệnh liên tục đang đứng mức 66.400 đồng, dưới tham chiếu đợt ATC có 934.800 cổ phiếu giao dịch, đẩy vọt lên 67.000 đồng, tăng 0,15%. VNM đang từ 69.500 đồng bị ép xuống 69.000 đồng, giảm 1,85%. Nói chung mức thay đổi vài bước giá không phải là mạnh, nên có thể đợt ATC hôm nay chỉ là cung cầu bình thường.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn không thay đổi là điều kiện để các chỉ số ổn định. VN-Index tăng nhẹ 0,88 điểm, nhưng vẫn xác lập một phiên tăng. VN30-Index giảm 0,59%, Midcap tăng 0,41%, Smallcap giảm 0,39%.
Mặc dù VN-Index tăng không đáng kể ngay cả so với thời điểm cuối phiên sáng, nhưng độ rộng vẫn cải thiện. Từ chỗ chỉ có 108 mã tăng/332 mã giảm, kết phiên chỉ số ghi nhận 151 mã tăng/292 mã giảm. Mặt bằng thị trường ổn định và vẫn có những cổ phiếu đơn lẻ tăng tích cực.
Trong nhóm VN30, MSN đột biến với mức tăng giá kịch trần lúc đóng cửa. Khoảng 53% giao dịch của MSN là đến từ bên mua của các tài khoản ngoại. MSN cũng không tăng nóng ngay từ đầu, thậm chí ngay đầu phiên còn rơi -3,1% so với tham chiếu, tức là biên động trong ngày hôm nay của MSN tới 10,4%. Cổ phiếu này cũng trở thành trụ mạnh nhất của VN-Index.
Loạt cổ phiếu Midcap cũng chứng kiến PVD, VGC tăng kịch trần với hàng trăm tỷ đồng thanh khoản. Cả hai mã này cũng giảm đầu phiên và đến gần cuối phiên thì tăng hết biên độ. Các mã như DGC, DCM, VCI tăng trên 5% giá trị và thanh khoản từ khoảng 200 tới trên 300 tỷ đồng. Sàn HoSE phiên này có 8 mã đóng cửa ở giá trần, 40 mã tăng trên 2%. Số lượng này cũng không phải là nhiều, nhưng đặt trong bối cảnh độ rộng khá hẹp hôm nay lại cho thấy dòng tiền đang mạnh có trọng điểm.
Trong phiên đáo hạn phái sinh, diễn biến của nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 là quan trọng nhất. Rổ này có số giảm áp đảo với 18 mã và chỉ 8 mã tăng. Có 9 mã giảm trên 1%, trong đó giảm nhiều nhất là TPB -3,26%, PDR -3,23%, PLX -2,17%. Các mã này tuy giảm sâu nhưng ảnh hưởng tới chỉ số lại hạn chế. Các trụ giảm như HPG, TCB, BID, FPT, NVL, VIC lại khá nhẹ.
Nói chung diễn biến thị trường cả ở chỉ số lẫn mặt bằng cổ phiếu hôm nay không biến động nhiều. Trong số giảm, 67 mã giảm trên 2%, 57 mã khác giảm trên 1%. Nhìn từ góc độ nguy cơ chốt lời T3 thì mức giảm như vậy là bình thường. Rất nhiều cổ phiếu bắt được ở giá đáy nhịp rơi vừa qua về đến tài khoản đã có lãi tốt, nên chốt lời giảm với cường độ nhẹ là tích cực.
Mặt khác thanh khoản hai sàn niêm yết hôm nay tụt xuống mức thấp nhất 6 phiên với 13.253 tỷ đồng khớp lệnh. Nếu tính lần lượt vòng T3 và T4 của khối lượng giá rẻ nhất về tài khoản thì có hàng ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu đã được giữ lại.
Mặt khác, trong 382 cổ phiếu sàn HoSE có thanh khoản hôm nay, chỉ có 28 mã đóng cửa ở giá thấp trong ngày, còn lại đều thoát đáy ở mức độ khác nhau. Tới 278 cổ phiếu phục hồi từ 2% trở lên so với giá thấp nhất ngày. Điều này thể hiện xu hướng phục hồi dần của các chỉ số là phù hợp với diễn biến giá của đa số cổ phiếu.