Dấu ấn của những dự án tỷ USD

(BĐT) - Năm 2015 khép lại với kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tương đối khả quan, trong đó điểm nhấn là có khá nhiều dự án tỷ USD.
Dự án của Samsung tại Bắc Ninh cần đến 20.000 việc làm khi đi vào hoạt động. Ảnh: NC st
Dự án của Samsung tại Bắc Ninh cần đến 20.000 việc làm khi đi vào hoạt động. Ảnh: NC st

7,6 tỷ USD cho 4 dự án

Thượng tuần tháng 12/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã “chốt sổ” cuối năm bằng một sự kiện khá ấn tượng: chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) triển khai Dự án Nhà máy Giấy bao bì công nghiệp ở Khu công nghiệp Singapore Ascendas - Protrade đóng tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Theo bà Cheng Tsun Hui, Chủ tịch Tập đoàn Cheng Loong, đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Tập đoàn từ trước đến nay ở Việt Nam. Hiện trên thế giới, Cheng Loong có đến 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy và chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như Nike, Apple...

Trước đó, ngày 6/8/2015, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án mở rộng cho Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, với tổng vốn 3 tỷ USD. Việc rót mạnh vốn vào Việt Nam của Samsung đã làm cho làn sóng thu hút FDI thêm sinh động, bởi giai đoạn 1 của họ với vốn đầu tư 1 tỷ USD cũng được tỉnh Bắc Ninh cấp phép vào đầu tháng 7 năm 2014.

Trước đó nữa, vào tháng 6/2015, Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế vương (Empire City Limited Liability Company) đã được UBND TP.HCM trao Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án Khu phức hợp Tháp quan sát (Dự án Empire City) trong khu lõi Trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án này có diện tích xây dựng gần 15 ha, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, nằm dọc đường Mai Chí Thọ và ven sông Sài Gòn. Đây là công ty liên doanh với tỷ lệ vốn 50:50. Trong đó, hai đối tác trong nước là Công ty CP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái, còn đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd. của Vương quốc Anh, trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners.

Gần hơn, trong tháng 9/2015, Công ty Janakuasa Sdn. Bhd. của Malaysia đã được UBND tỉnh Trà Vinh cấp phép cho thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án này là thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW, bao gồm 2 tổ máy, với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy.

“Các đội mạnh gặp nhau”

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư của những dự án nói trên đều đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2015 khá lớn. Cụ thể, Hàn Quốc dẫn đầu với 702 dự án và hơn 2,6 tỷ USD vốn đầu tư. Kế đến là Malaysia, tuy chỉ 27 dự án nhưng số vốn lên đến 2,4 tỷ USD, đứng thứ 2. Tiếp đó nữa là Vương quốc Anh, đứng vị trí thứ 5 về vốn, với gần 1,3 tỷ USD trên 30 dự án.

Ở chiều ngược lại, các địa phương đón nhận những dự án tỷ USD trong năm 2015 đều là những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 ở vào nhóm rất tốt, tốt và khá. Trong đó, TP.HCM xếp thứ 4, nằm vào nhóm rất tốt, Bắc Ninh đứng thứ 10, lọt vào nhóm tốt, Bình Dương đứng thứ 27 và Trà Vinh đứng thứ 32/63 tỉnh, thành, xếp vào nhóm khá.

Một điểm chung nữa của các dự án này khi đi vào hoạt động là sẽ tạo ra doanh thu lớn, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương và giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó chỉ tính riêng dự án của Samsung tại Bắc Ninh cần đến 20.000 việc làm.

Năm 2015, xét theo địa phương, TP.HCM dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn cấp mới. Ngôi vị thứ hai là Trà Vinh, hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 16,2%. Đứng thứ ba là Bình Dương, với hơn 2,4 tỷ USD, chiếm 15,8%. Rõ ràng, sự bứt phá của nhiều địa phương trong thu hút vốn FDI năm 2015 luôn có một dấu ấn lớn từ các dự án tỷ USD.

Theo ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chính môi trường pháp lý trong đầu tư được đổi mới và từng bước hoàn thiện đã giúp các tỉnh nói chung và Bình Dương nói riêng ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.