Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm, khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm do Tập đoàn Sun Group đầu tư. Ảnh: Tường Lâm |
Nhiều công trình lớn đưa vào khai thác
Theo chiều dài đất nước, ở phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đang được biết đến như một hiện tượng về phát triển hạ tầng giao thông mang đậm dấu ấn xã hội hóa. Trong đó có sự đóng góp lớn của Tập đoàn Sun Group ở các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm, khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km với vận tốc thiết kế đạt 120 km/h - vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc Việt Nam.
Ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn là dấu ấn của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.
Khu vực miền Trung, trên tuyến Quốc lộ 1 hình ảnh của Tập đoàn Đèo Cả in đậm tại các công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Cổ Mã tại Phú Yên và Bình Định; hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng). Ở phía Nam, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã ghi dấu tại Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, được đưa vào khai thác tháng 10/2022.
Trong các nhà đầu tư tư nhân, Vingroup ghi tên mình vào hệ thống hạ tầng TP. Hà Nội; trục Bắc - Nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và đang cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên kế hoạch đầu tư vào Dự án Nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt, bao gồm: khu ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển IndoTran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH... cũng ngỏ ý tham gia đầu tư, thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hoạt động xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông bắt đầu được đẩy mạnh triển khai với các phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) từ năm 2011 đến nay. Ở giai đoạn từ 2011 - 2015, số vốn xã hội hóa đã đạt mức kỷ lục, với mức huy động năm 2013 đạt 68.563 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thời kỳ những năm 2012 trở về trước (49.605 tỷ đồng). Các chuyên gia cho biết, nguồn vốn xã hội hóa hàng năm thường gấp hơn 2 lần so với vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào hạ tầng giao thông, góp phần giảm tải cho ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu của ngành GTVT diễn ra kịp thời và đúng tiến độ. Cũng theo Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho giao thông khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 28%. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội cho đầu tư hạ tầng giao thông đã đạt được kết quả khả quan với khoảng 6 tỷ USD.
Tiếp tục dẫn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050 sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 9.014 km và mạng lưới quốc lộ khoảng 29.795 km. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 lên đến 900.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 510.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công và vốn ngoài ngân sách nhà nước. Trong tổng số vốn trên, ngân sách nhà nước đáp ứng khoảng 600.000 tỷ đồng, còn lại 300.000 tỷ đồng sẽ thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050 sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc với tổng chiều dài khoảng 9.014 km và mạng lưới quốc lộ khoảng 29.795 km.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực; xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Cánh cửa xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông đang mở rộng khi nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đề xuất đầu tư các dự án lớn như tại Quảng Trị, Tập đoàn Sơn Hải với cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn từ 2024 - 2027, tổng kinh phí khoảng 14.503 tỷ đồng theo phương thức PPP. Cũng tại Quảng Trị, Tập đoàn T&T đã đề xuất đầu tư Dự án Cảng hàng không theo phương thức này, dự kiến khởi công xây dựng đầu năm 2024. T&T Group - Phương Trang đang tích cực lập dự án đầu tư dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương và đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E.
Trong khi đó, Dự án Cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 66 km, với tổng mức đầu tư là 17.200 tỷ đồng đã được Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất. Tập đoàn Đèo Cả cũng là doanh nghiệp đề xuất đầu tư cùng Công ty CP Xây dựng công trình 568 thực hiện Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 144 km, vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Dự án đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt thực hiện theo phương thức PPP. Dự kiến giai đoạn 1, chiều dài 93km với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng sẽ khởi công vào cuối năm 2023, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình, Tập đoàn Geleximco đã đề xuất đầu tư, góp vốn 9.500 tỷ đồng, tương đương 49,5% tổng mức đầu tư cho 60,9 km…
Trong nỗ lực thu hút vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu hoàn thiện các quy định đầu tư theo phương thức PPP để áp dụng tại các dự án. Đặc biệt, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND các địa phương để định hướng hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không tại địa phương theo từng dự án cụ thể; thông báo tới địa phương về các nội dung vướng mắc cần tháo gỡ về cơ sở pháp lý khi huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác cảng hàng không làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.