Đầu năm tản mạn chuyện quan chức

(BĐT) - Là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nên có thể nói năm 2016 là năm đặc biệt.
Đầu năm tản mạn chuyện quan chức

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hay đất nước “hóa rồng, hóa hổ” thì cần có cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chỉ có ông Trương Văn Phước đang làm “sếp” ở Ngân hàng Nhà nước nhảy ra làm cho Eximbank và từ tháng 8/2013 ông lại quay trở về “chốn quan trường” để làm công bộc cho dân. Ông bình luận gì về trường hợp này?

Thông thường, khi được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, ban đầu làm chuyên viên, “lâu năm lên lão làng” trở thành lãnh đạo, nếu có thực tài anh có thể lên đến thứ trưởng, thậm chí cao hơn. Nếu anh giỏi, thấy môi trường nhà nước không phù hợp thì anh nhảy ra ngoài để hưởng mức lương và đãi ngộ xứng đáng với tài năng và cống hiến. Khi đã “ra ngoài” thì hầu như không ai muốn quay trở lại với môi trường công chức nữa.

Ông Trương Văn Phước là trường hợp khá lý thú vì ông đã từ bỏ những chức vụ mà rất nhiều người mơ ước (Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước) để ra làm việc cho Eximbank. Làm việc ở Eximbank có thu nhập rất cao, có nhiều chế độ đãi ngộ, nhưng ông Phước sẵn sàng bỏ lại bổng lộc sau lưng để quay về làm việc cho Nhà nước với cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Trường hợp ông Trương Văn Phước rất hiếm, nhưng báo hiệu một cơ chế tuyển dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới, không đi theo lối mòn. Hy vọng, cách thức bổ nhiệm lãnh đạo mới, kể cả lãnh đạo giữ chức vụ quan trọng trong thời gian tới sẽ giúp Nhà nước tìm được người thực tài làm việc công vụ. Vì chỉ có sử dụng được người tài thì mới đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, mới tránh được “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” đã được Nghị quyết Đại hội Đảng XI nhận định. 

Thế cơ chế tuyển chọn người tài ở nước ngoài thì sao, thưa ông?

Con người làm ra chính sách, thực thi chính sách và cũng giám sát chính sách. Một chính sách, cơ chế chỉ thực thi được khi nó phù hợp với cuộc sống, tức là người làm, thực thi chính sách, giám sát chính sách phải thực sự giỏi.

Chính vì vậy, chính quyền nước ngoài luôn rộng mở, thậm chí khuyến khích người tài đang làm ngoài vào làm công chức vì đó là những người đã được tôi luyện ở xã hội và có nhiều kinh nghiệm xử lý công việc chứ không “đóng khung” như Việt Nam. Hy vọng cơ chế tuyển chọn, tư duy tuyển chọn người tài làm việc cho Nhà nước thời gian tới sẽ thay đổi, cởi mở và công bằng với tất cả mọi người. Người dân kỳ vọng, khu vực nhà nước không phải là mảnh đất của “con ông cháu cha”, không phải là mảnh đất của “4 ệ; 5 c” (nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ; con cháu các cụ cả) và một số rất ít người may mắn làm việc cho đến tận lúc “cầm sổ hưu” trong khi năng lực kém xa so với những người làm việc ở khu vực ngoài nhà nước.

Trên thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cục. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã tổ chức tới 10 cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cục và cả tổng cục trưởng, nhưng cuối cùng thì tất cả các cuộc thi tuyển lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương đã dừng lại?

Có lẽ ý thức được chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt công chức làm chức vụ lãnh đạo quyết định đến hiệu quả công việc của cả cơ quan, cả xã hội và cũng muốn chấm dứt tình trạng như dân gian vẫn nói là “chạy chức, chạy quyền” nên một số bộ, ngành, địa phương đã thí điểm tổ chức thi cán bộ cấp sở, phòng, vụ, cục… theo đề án riêng. Kết quả thi “quan chức” công khai, minh bạch, công bằng được xã hội đánh giá rất cao, vì thế Đảng và Chính phủ đã đồng ý thay đổi cách bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo tại các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng để làm đồng loạt trên cả nước thì phải có Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm nên Đề án này vẫn đang trong quá trình xây dựng, vì thế tạm dừng. 

Tâm lý người Việt ai cũng muốn được làm quan. Nhiều người bất kể tài năng, đức độ thế nào cũng tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền nên nhiều người tin rằng, cơ chế thi tuyển “quan chức” phải rất lâu nữa mới được thực hiện?

Ngày xưa ông cha ta học hành mong đến thi cử đỗ đạt và ra làm quan chứ ít người đỗ đạt xong rồi lại là dân. Ai làm quan được coi là thành đạt, làm vinh dự cho dòng họ, làng xã. Không hiểu sao tâm lý làm quan được “lên xe xuống ngựa”, “kẻ đón người đưa”, “kẻ hầu người hạ”... từ thời phong kiến vẫn “ám ảnh” con cháu đến tận ngày nay.

Có một thực tế là dưới con mắt của không ít người, những người vô cùng giàu có, đóng góp cho xã hội rất lớn như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… không “oách” bằng các vị giữ chức lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ. Với cách nhìn này nên cũng có người nghi ngờ việc thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng sớm được thực hiện đại trà trên cả nước.

Tôi cho rằng, thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là cách làm đúng đắn nhất để chọn ra người thực tài phục vụ xã hội. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng XI đặt vấn đề thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức; khắc phục chế độ đãi ngộ theo kiểu "bình quân". 

Bộ Giao thông vận tải tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp cục, vụ, tổng cục công khai, minh bạch được xã hội đánh giá cao. Còn ông đánh giá thế nào?

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Đinh La Thăng làm được rất nhiều việc và được người dân đánh giá rất cao, trong đó có việc ông mạnh dạn thi tuyển cán bộ lãnh đạo để chọn người thực tài. Tôi cho rằng, việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cục, tổng cục của Bộ Giao thông vận tải là “cánh én” báo hiệu một mùa xuân ấm áp đang về, báo hiệu một nền quản trị quốc gia minh bạch hơn, nhiều người tài, người có thực lực có cơ hội làm việc cho cơ quan nhà nước. Thực tế cho thấy chỉ có thể chọn được người tài khi cơ chế thi tuyển mang tính cạnh tranh cao và phải thực sự công khai, minh bạch.

Tôi còn nhớ, một lần hầu chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi bàn về nhân tài, ông nói ngắn gọn: “Lãnh đạo giỏi là người chọn được người tài về làm việc với mình”. Tôi tin rằng, đội ngũ lãnh đạo đất nước mới từ Trung ương đến địa phương được lựa chọn sau Đại hội Đảng XII và bầu cử Quốc hội khóa XIV sẽ có rất nhiều người giỏi, những người này sẽ biết cách “chiêu hiền, đãi sỹ”, tìm được nhiều người tài về làm việc với mình để tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng thế và lực của đất nước, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.