Đấu thầu dự án BT kết hợp đấu giá quỹ đất thanh toán: Bộ Tài chính nói chưa có cơ sở pháp lý

(BĐT) - Về việc nghiên cứu cơ chế vừa đấu thầu dự án BT, vừa đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu khi xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP).
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, quy trình xác định giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT hiện nay không đảm bảo sát giá thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, quy trình xác định giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT hiện nay không đảm bảo sát giá thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về những bất cập khi thực hiện Nghị định 69/2019/NĐ-CP về thanh toán dự án BT.

Nghị định 69 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2019 có một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện dự án BT. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc triển khai dự án BT chỉ thực sự đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát khi thay đổi quy trình xác định giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện nay, giá trị quỹ đất thanh toán được xác định tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, thông qua hội đồng thẩm định giá đất. Quy định này, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là không đảm bảo sát giá thị trường, không thông qua cạnh tranh. Hiệp hội này kiến nghị đồng thời đấu thầu dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất.

Về kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định vừa đấu thầu mua, vừa đấu giá bán, nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bộ kiến nghị nghiên cứu cơ chế này tại Dự thảo Luật PPP.

Trong Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật PPP gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ ra quá trình triển khai dự án BT thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường.

Theo nhiều ý kiến, việc triển khai dự án BT chỉ thực sự đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát khi thay đổi quy trình xác định giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư.
Chính phủ lý giải, thực trạng giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không được xác định qua cạnh tranh có nguyên nhân sâu xa từ cách tiếp cận chính sách khi xây dựng Luật Đất đai. Theo đó, Luật chỉ hướng tới một phương thức cạnh tranh để khai thác giá trị gia tăng của đất là đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ chế này đòi hỏi phải có đất sạch để cơ quan nhà nước có thể quyết định giao, cho thuê ngay tại thời điểm có kết quả cạnh tranh về giá đất giữa các nhà đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, thực tế điều hành các hoạt động phát triển kinh tế cho thấy không phải trong tất cả các trường hợp đều có thể thu xếp được quỹ đất sạch để đáp ứng điều kiện tổ chức đấu giá. Đây là một rào cản trong việc phát huy các nguồn lực đất đai cho phát triển.

Theo Tờ trình, Chính phủ báo cáo Quốc hội tiếp tục triển khai loại hợp đồng BT với các quy định chặt chẽ tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, thay đổi cách thức thực hiện theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết hợp hai tiêu chí gồm giá trị công trình BT và giá trị tài sản công được thanh toán. Giá trị tài sản công được các bên xác định trong hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tại thời điểm giao/cho thuê tài sản công, không phải xác định lại giá trị tài sản công mà nhà đầu tư phải nộp.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về “nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao”, Dự thảo Luật PPP bổ sung cách thức thanh toán bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Đối với cách thức thanh toán này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu dự án BT và yêu cầu nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng. Sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá tài sản công để có nguồn kinh phí thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT. Phần chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước phải bù.