Dù đã được tập huấn, bồi dưỡng rất nhiều song các chủ đầu tư, bên mời thầu tại Nghệ An vẫn không thực hiện đấu thầu qua mạng. Ảnh: Hoài Tâm |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, khi Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TT 07) có hiệu lực, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 8340/UBND-TM ngày 13/11/2015 về việc thực hiện TT 07, trong đó yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) thực hiện nghiêm túc việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo đúng quy định tại TT 07; thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình quy định; thông báo đến cho tất cả các nhà thầu, nhà đầu tư trên địa bàn Tỉnh biết về lộ trình đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia...
Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Nghệ An chưa có một gói thầu nào áp dụng ĐTQM để lựa chọn nhà thầu.
Tại Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cũng chưa đề ra được giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng nêu trên. Trong Báo cáo, cơ quan quản lý đấu thầu tại địa phương này kiến nghị UBND Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và TT 07.
Phân trần về tình trạng “trắng tay” với ĐTQM năm 2017, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, có rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện ĐTQM tại địa phương này. Một trong những khó khăn được vị cán bộ này viện dẫn là do hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, năng lực, trình độ công nghệ thông tin... Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đấu thầu chất vấn rằng khó khăn là khó khăn chung, tại sao các địa phương khác làm được, mà Nghệ An lại không thực hiện được, dù ít dù nhiều, thì vị cán bộ này thở dài, không đưa ra câu trả lời.
Cũng theo vị cán bộ này, mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng rất nhiều song các CĐT/BMT vẫn không thực hiện ĐTQM còn có nguyên do là sự hạn chế về nhận thức, tư duy. Và không thể phủ nhận rằng, có nhiều CĐT/BMT vẫn né tránh thực hiện ĐTQM. Đơn cử như trong năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đã tham mưu đề xuất với UBND Tỉnh về việc tổ chức ĐTQM cho khoảng trên dưới chục gói thầu chào hàng cạnh tranh của các dự án kiên cố hóa trường học nhưng cuối cùng vẫn không được thực hiện.
Những gói thầu do Sở thẩm định, đề xuất còn “khó” như vậy, còn những gói thầu do CĐT/BMT khác là các sở, ban ngành, UBND các huyện... thì đành “bó tay”. Chẳng hạn như những gói thầu mua sắm thường xuyên năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở Tài chính thực hiện việc lựa chọn nhà thầu nhưng đều không thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Báo cáo cho thấy, năm 2017, cả Tỉnh có 72 gói thầu sử dụng vốn mua sắm thường xuyên với tổng giá gói thầu là trên 5.235 tỷ đồng và giá trúng thầu là 4.827 tỷ đồng, trong đó đấu thầu rộng rãi là 37 gói thầu, chào hàng cạnh tranh là 32 gói thầu.
Bên cạnh việc không thực hiện đúng lộ trình ĐTQM theo quy định, Báo cáo còn cho biết có 11 cơ quan, đơn vị tại Nghệ An không gửi báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2017. Điều này cho thấy, cần một chế tài cứng rắn hơn và sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng để cải thiện tình trạng “chây ì” nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tại địa phương này.