Đấu thầu tại Ban di dân tái định cư Thủy điện Sơn La: Nguồn cung vật liệu giới hạn nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi Ban Quản lý dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Thi công xây lắp công trình đường từ Tỉnh lộ 106 - điểm tái định cư Pú Nhuổng, xã Mường Bú, huyện Mường La, nhiều nhà thầu đã có văn bản gửi đến Báo Đấu thầu phản ánh về tiêu chí được quy định tại HSMT liên quan đến nguồn cung cấp vật tư, vật liệu thi công.
Đối với vật liệu cát, đá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải đề xuất các nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Nhã Chi
Đối với vật liệu cát, đá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải đề xuất các nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có dự toán 35,028 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước, không qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian thực hiện hợp đồng 450 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Theo phản ánh của các nhà thầu, tại Chương III, phần nội dung đánh giá nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, HSMT quy định đối với xi măng, thép, nhựa đường, khi đề xuất hợp đồng nguyên tắc cung cấp các loại vật liệu này tại hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu phải đính kèm đồng thời các tài liệu chứng minh năng lực của nhà cung cấp, gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm ngành nghề kinh doanh của đơn vị cung cấp; chứng nhận đại lý (nếu có); hóa đơn bán hàng hoặc hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị tương tự đã thực hiện. Tiêu chí này bị các nhà thầu cho rằng không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Đối với vật liệu cát, đá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải đề xuất các nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La, theo đó, có giấy chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Đồng thời, nội dung hợp đồng nguyên tắc phải thể hiện rõ khối lượng vật liệu...

Theo nhà thầu, việc HSMT giới hạn phạm vi nguồn cung trên địa bàn tỉnh Sơn La là đi ngược lại tinh thần cạnh tranh được quán triệt tại Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, yêu cầu về việc nhà thầu phải có bãi tập kết vật tư, thiết bị phục vụ thi công với diện tích bãi 1.000m2 trên phạm vi tuyến thi công hoặc địa bàn huyện nơi triển khai Dự án cũng là một nội dung khiến các nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu (BMT) lược bỏ. Các nhà thầu cho rằng, không có cơ sở pháp lý khi quy định tiêu chí này tại HSMT.

Trao đổi với Báo Đấu thầu chiều ngày 16/6/2021, cán bộ của BMT cho biết, việc đưa ra các yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu, thiết bị nhằm giúp BMT xác định được năng lực của đơn vị cung ứng, từ đó, đảm bảo về chất lượng, tính hợp lệ, cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng của các loại vật tư, vật liệu thi công. “Đến thời điểm hiện tại, BMT chưa nhận được văn bản kiến nghị của các nhà thầu. Nếu có kiến nghị, chúng tôi sẽ thực hiện các thủ tục phúc đáp nhà thầu theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành”, vị cán bộ cho biết thêm.

Theo một chuyên gia đấu thầu, kiến nghị của các nhà thầu là có cơ sở. Bởi, pháp luật về đấu thầu hiện hành quy định, khi đánh giá HSDT, chỉ đánh giá năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật của nhà thầu chính, không đánh giá năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật của nhà cung cấp vật tư, vật liệu. Việc HSMT yêu cầu nhà thầu chính phải đề xuất đồng thời các loại tài liệu chứng minh năng lực của nhà cung cấp tại HSDT (bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị cung cấp; chứng nhận đại lý (nếu có); hóa đơn bán hàng hoặc hợp đồng tương tự) là không phù hợp. Thay vào đó, HSMT có thể yêu cầu nhà thầu cam kết sẵn sàng đáp ứng tại HSDT. Trường hợp muốn xác minh thêm, BMT có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp các tài liệu này trong quá trình thương thảo hợp đồng.

Cũng theo chuyên gia trên, mặc dù BMT có những lý lẽ riêng khi giới hạn phạm vi nguồn cung cát, đá trên địa bàn tỉnh Sơn La, song, việc quy định này sẽ gây ra các hạn chế cạnh tranh. Bởi, trường hợp nhà thầu đề xuất nguồn cung cát, đá bên ngoài phạm vi tỉnh Sơn La, nhưng chứng minh được tính khả thi trong tổng thể giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công tại HSDT, thì vẫn có thể được chấp nhận.

“Đây là gói thầu khá lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thầu. Do đó, nếu không cẩn trọng trong việc xây dựng từng nội dung đánh giá, thì tiêu chí tưởng chừng đơn giản này dễ trở thành lý do chính loại rất nhiều nhà thầu có năng lực ra khỏi cuộc thầu”, vị chuyên gia khẳng định.

Dự kiến ngày 22/6/2021, gói thầu nêu trên sẽ được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục