Trường THPT Ngô Sĩ Liên xin rút kinh nghiệm trong tuyên truyền, thực hiện việc sửa chữa, xây dựng trong thời gian tới để tránh hiểu lầm |
Nhà trường phủ nhận “thi công trước mời thầu”
Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, Gói thầu số 1 thuộc Dự án Sửa chữa, cải tạo Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Đồng Nai), do Trường THPT Ngô Sĩ Liên làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn Xây dựng Kiến Thịnh làm bên mời thầu.
Trong Đơn kiến nghị, nhà thầu phản ánh lúc đến Trường THPT Ngô Sĩ Liên để mua HSMT thì “Bảo vệ nói là có đơn vị đang thi công nửa tháng nay rồi giờ còn mua hồ sơ gì nữa”. Theo giải trình của Nhà trường, từ ngày 24 - 27/6/2018, Hội đồng thi làm việc, những người không phận sự không được vào trường thi. Do vậy, người mà nhà thầu phản ánh đã gặp và nói là bảo vệ trên thực tế không phải là nhân viên bảo vệ của Nhà trường, mà là dân phòng của địa phương đến hỗ trợ bảo vệ kỳ thi. Việc chuyển địa điểm bán HSMT là có thực vì trong thời gian trên, Trường THPT Ngô Sĩ Liên là điểm thi THPT quốc gia nên nhân viên của nhà thầu đến Trường liên hệ mua HSMT là không được.
Trường THPT Ngô Sĩ Liên cũng khẳng định, việc Nhà trường tổ chức sửa chữa các nhà vệ sinh ở dãy các phòng thi là có thực như đơn phản ánh của nhà thầu nhưng về bản chất là chưa đúng. Cụ thể, sau khi được chọn là điểm thi THPT quốc gia, Nhà trường đã tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất và thấy các phòng vệ sinh của giáo viên và học sinh bị hư hỏng, không thể dùng được, hệ thống chiếu sáng và quạt ở một số phòng học không hoạt động… nên đã tiến hành khắc phục ngay để phục vụ kỳ thi. Ngày 5/6/2018, Nhà trường đã hợp đồng với tổ thợ nề đến khắc phục, sửa chữa cơ sở vật chất bị hư hỏng nói trên với giá trị khoán trọn gói là 39,5 triệu đồng và phải hoàn thành trước kỳ thi (thời gian thi công 15 ngày). Do điều kiện thời tiết, việc sửa chữa kéo dài nên trong những ngày thi vẫn còn vật liệu dư và một số dàn giáo sửa chữa bồn nước trên mái chưa được tháo dỡ. Theo Trường THPT Ngô Sĩ Liên, từ thực tế này, nhà thầu phản ánh cho rằng Nhà trường cho phép đơn vị chưa trúng thầu đã đến thi công sửa chữa các hạng mục công trình là không đúng. Qua sự việc trên, Trường THPT Ngô Sĩ Liên cũng xin rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, thực hiện việc sửa chữa xây dựng trong những năm tới để tránh hiểu lầm.
2/3 nhà thầu chào vượt giá
Theo Biên bản mở thầu Gói thầu số 1, có 5 nhà thầu mua HSMT và 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thanh Nam, Công ty CP Xây dựng Tu Sa và Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây dựng Thành Tài với giá dự thầu lần lượt là 5.917,515 triệu đồng, 5.830,989 triệu đồng và 5.790,8669 triệu đồng. Trong khi đó, giá dự toán/giá gói thầu là 5.790,867 triệu đồng. Như vậy, giá dự thầu của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thanh Nam và Công ty CP Xây dựng Tu Sa cao hơn giá gói thầu.
Hiện nay, theo quy định, giá gói thầu được công khai theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phải được công bố trước khi bên mời thầu tiến hành thông báo lựa chọn nhà thầu. Với những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước (không phải vốn vay ODA), chủ đầu tư chỉ được phép chọn những nhà thầu có giá dự thầu không vượt giá gói thầu. Vì thế, trường hợp giá dự thầu cao hơn giá gói thầu, nhà thầu sẽ khó thuyết phục trước nghi vấn về động cơ dự thầu không trong sáng của nhà thầu.
Bên cạnh đó, theo Bên mời thầu, trong HSDT, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thanh Nam nộp séc thường, không phải séc bảo chi theo yêu cầu của HSMT nên không đạt yêu cầu. Nhà thầu này có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng nhưng chỉ có năng lực hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, không có năng lực thi công xây dựng công trình dân dụng hạng III trở lên nên cũng không đạt so với yêu cầu của HSMT.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, chưa bàn đến tính đúng sai, hợp lý của các yêu cầu nêu trong HSMT nhưng khi HSMT “yêu cầu một đường” mà nhà thầu lại “đáp ứng một nẻo” thì nhà thầu cũng không tránh khỏi nghi ngờ của dư luận về việc tham gia làm “quân xanh” cho 1 cuộc thầu.