Tuyến đường bộ ven biển sẽ đảm bảo kết nối liên thông giữa các tỉnh, thành phố, các khu du lịch ven biển, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại. Ảnh: Nhã Chi |
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, để đảm bảo thông tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, kết nối với các tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thì nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa khoảng 5.642 tỷ đồng. Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ toàn tuyến khoảng 2.500 tỷ đồng (trong đó 1.100 tỷ đồng cho đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa), còn 1.400 tỷ đồng cho 2 đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia. Trong khi, tổng vốn đầu tư xây dựng của Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia là 3.400 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nguồn vốn ngân sách tỉnh còn rất hạn hẹp, đang triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm khác, nếu sử dụng vốn ngân sách tỉnh để đầu tư là không khả thi. Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho ngân sách tỉnh, cuối năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất thực hiện đầu tư đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia theo phương thức PPP, hợp đồng BOT; đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa theo hình thức đầu tư công thuần túy.
Về tính khả thi của nguồn vốn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng vốn đầu tư xây dựng của Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia là 3.400 tỷ đồng. Phần vốn Nhà nước tham gia là 2.380 tỷ đồng (chiếm 70%), gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2020, Trung ương đã bố trí cho Dự án 343 tỷ đồng. Vốn ngân sách tỉnh 980 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa thống nhất tại Nghị quyết số 157/NQ-HĐND ngày 4/4/2019. Còn lại phần vốn nhà đầu tư là 1.020 tỷ đồng (chiếm 30%). UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cơ cấu nguồn vốn Dự án như vậy đảm bảo tính khả thi và phù hợp quy định.
Theo phương án tài chính, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà đầu tư sẽ được hoàn vốn bằng hình thức thu phí. Trong thời gian đầu, lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến đường bộ ven biển sẽ thấp, do một số đoạn tuyến từ Quảng Ninh đến Nghệ An chưa được hoàn thành và thông tuyến. Tuy nhiên, sau khi toàn bộ tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An hoàn thành, sẽ đảm bảo kết nối liên thông giữa các tỉnh, thành phố, các khu du lịch ven biển, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại. Khoảng cách từ Hải Phòng đến Sầm Sơn nếu đi theo Quốc lộ 1A là 230 km, nếu đi theo tuyến đường ven biển là 180 km, giảm khoảng cách từ TP. Hải Phòng đi TP. Thanh Hóa 28 km, từ Cảng Đình Vũ đến Cảng nước sâu Nghi Sơn giảm 50 km…
Nếu đi theo tuyến đường ven biển sẽ rút ngắn được khoảng cách, thời gian, chi phí vận chuyển. Các phương tiện tham gia giao thông, khách du lịch, phương tiện vận chuyển từ cảng Hải Phòng đến cảng Nghi Sơn và ngược lại, có thể sẽ lựa chọn đi theo tuyến đường bộ ven biển, nên khả năng hoàn vốn với thời gian thu phí không quá 25 năm là khả thi.