Đầu tư cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều rủi ro tài chính cần lượng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Câu chuyện suất đầu tư, đơn giá xây dựng phù hợp với tính chất, địa hình khu vực cần được đánh giá đúng mực để các dự án thực sự phát huy hiệu quả.
Quy hoạch đường bộ cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Ảnh: Tiên Giang
Quy hoạch đường bộ cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Ảnh: Tiên Giang

Hiện Dự án Cầu Rạch Miễu 2 và Dự án Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa được quyết định chủ trương đầu tư, đang trình Quốc hội quyết định. Hàng loạt dự án nâng cấp quốc lộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Quốc lộ 62, Quốc lộ 53, Quốc lộ 91B); đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đường kết nối sau cảng Trần Đề; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa… cần hoàn thiện.

Rà soát của Bộ GTVT cho thấy, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Tổng vốn dự kiến đầu tư các dự án cao tốc tại khu vực này giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 tỷ đồng.

Riêng đối với hệ thống đường bộ cao tốc, hàng loạt tuyến như TP.HCM - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh cần được ưu tiên đầu tư. Mục tiêu đến năm 2050, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành khoảng 1.180 km đường bộ cao tốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long đang là khu vực còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông. Theo đó, toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm tỷ lệ 7%.

Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do địa hình khu vực bị chia cắt, nền địa chất yếu, sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Chưa kể, khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu dẫn tới suất đầu tư xây dựng công trình giao thông rất lớn. Cụ thể, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực này cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các khu vực khác. Đây cũng là lý do khiến số lượng cao tốc được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế. Bên cạnh đó là những khó khăn như năng lực vận chuyển hàng hóa kém, nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm (đặc biệt đất và cát đắp nền đường)… dẫn tới việc nhiều nhà thầu e ngại khi tham gia thi công tại đây.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư Dự án Cao tốc Trung - Lương Mỹ Thuận, nhà thầu thi công tại Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 chia sẻ, tình trạng đất nền yếu, độ lún hàng năm lên tới 2 - 3cm, thậm chí có nhiều tỉnh còn cao hơn. Kỹ thuật thi công cao tốc tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn rất phức tạp và kéo dài do phải xử lý gia tải, xử lý sự cố… Chưa kể, huy động nguồn vật liệu xây dựng cơ bản từ đất, cát, đá vô cùng khó khăn, giá nguyên, vật liệu đầu vào cao.

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ GTVT đã có chỉ đạo cụ thể đối với các chủ đầu tư triển khai dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình lập dự án, xây dựng dự toán, hồ sơ mời thầu.

Cụ thể như tại Dự án Cầu Rạch Miễu 2, yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, hoàn thiện hồ sơ mời thầu đúng với nội dung được phê duyệt. Đặc biệt, tiên lượng mời thầu phải bảo đảm chính xác, hợp lý, phù hợp hồ sơ thiết kế, dự toán và chỉ dẫn kỹ thuật. Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 44.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, khâu xây dựng đơn giá cũng được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm…

Theo các nhà thầu, công tác xây dựng dự toán sát thực tế đóng vai trò quan trọng hàng đầu đến tiến độ, chất lượng thi công. Việc xây dựng dự toán sát giá thị trường sẽ giúp nhà thầu thuận lợi khi lập hồ sơ dự thầu, tính toán phương án tài chính phù hợp. Tuy nhiên, ngay cả khi dự toán hình thành giá gói thầu khoa học, chính xác, nếu khâu cập nhật đơn giá vật liệu xây dựng, chi phí cấu thành hoạt động xây dựng của địa phương không kip thời, rủi ro, khó khăn vẫn bủa vây nhà thầu. Điều này dẫn tới tình trạng các dự án hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu, kém sức hút đối với nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục