Nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm đến phương án tài chính khi tham gia vào những dự án đường cao tốc. Ảnh: Lê Tiên |
Đầu tư lớn, nhiều rủi ro
Theo ông Võ Hoàng Anh, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), đầu tư xây dựng đường cao tốc yêu cầu về vốn rất lớn, cả các nước phát triển cũng phải tìm cách đa dạng hoá phương thức huy động để từng bước hoàn thiện hệ thống cao tốc. Với Việt Nam, việc xã hội hóa mạnh mẽ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là sự lựa chọn phù hợp với thực tế phát triển và cùng với nó thì vấn đề phân tích hiệu quả kinh tế - tài chính cho các dự án này cũng được đặt ra trước yêu cầu mới, do sẽ phải huy động một nguồn vốn lớn với nhiều loại hình đầu tư khác nhau.
Tại Hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra", nhiều đại biểu cũng khẳng định, đối với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc là đầu tư dài hạn, đầu tư cho tương lai và chỉ có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mới có thể tham gia đầu tư xây dựng đường cao tốc. Lợi nhuận thu được từ đầu tư đường cao tốc không nhìn thấy được trong thời đoạn ngắn, mà là lợi nhuận dài hạn.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam như: ảnh hưởng do chi phí đầu tư dự án biến động; ảnh hưởng do chất lượng dự báo lưu lượng giao thông; các ảnh hưởng về lạm phát, tỷ giá; ảnh hưởng do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gây chậm tiến độ; các ảnh hưởng tác động làm chậm triển khai công tác thu phí; ảnh hưởng do các quyết định thay đổi mức phí và lộ trình tăng phí; các ảnh hưởng dẫn đến việc phải kéo dài thời hạn thu phí; ảnh hưởng của việc tính toán các loại thuế; ảnh hưởng do thể chế chính sách thay đổi trong quá trình vận hành dự án…
Cẩn trọng với bài toán tài chính
Theo phân tích của một số chuyên gia, do dự án đầu tư đường cao tốc có thời gian hoàn vốn dài nên có thể tăng thêm rủi ro cho nhà đầu tư.
Để bảo đảm an toàn về tài chính cho dự án đường cao tốc, một số chuyên gia khuyến cáo, cần xác định một cách tương đối chuẩn xác thời gian hoàn vốn; xác định được tổng lợi nhuận thực khi bỏ vốn đầu tư; xác định được cơ bản tỷ suất nội hoàn tài chính của dự án (FIRR); xác định được tỷ số lợi nhuận/chi phí bỏ ra trong cả quá trình khai thác; xác định được biên độ giới hạn đầu tư về tổng vốn đầu tư, biến động lưu lượng, lãi suất huy động…; xác định cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý vận hành khai thác hợp lý.
Nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư dự án BOT đường cao tốc là doanh thu từ thu phí, nên việc tính toán lưu lượng phương tiện, dự báo mức độ tăng trưởng, mức thu phí... là bài toán đa biến số mà nhà đầu tư cần phải giải, bởi nó mang tính ảnh hưởng quyết định đến tất cả các mục tiêu, hiệu quả của dự án. Và trên thực tế, chỉ cần một trong các yếu tố đầu vào không được điều tra, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng hoặc chỉ cần thiếu một yếu tố nào đó sẽ dẫn đến kết quả sai lệch trong việc phân tích hiệu quả tài chính của dự án đầu tư đường cao tốc.