Đầu tư cho giao thông ĐBSCL: Nhu cầu lớn, trông vào PPP

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực phía Nam cho thấy nhu cầu vốn đầu tư để giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thoát “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông là vô cùng lớn với 10 dự án cao tốc. Trong khi nguồn lực từ các địa phương lại rất thiếu.

Trong giai đoạn tới, đầu tư cho giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lê Tiên
Trong giai đoạn tới, đầu tư cho giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lê Tiên

Hơn 120 ngàn tỷ cho đường bộ vùng ĐBSCL

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch đường bộ, trên cơ sở đó, Bộ GTVT triển khai thực hiện lập Quy hoạch và đến nay cơ bản hoàn thành. Theo quy hoạch, đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, hành lang kinh tế chính. Phấn đấu có trên 80% địa phương có cao tốc kết nối và hoàn thành trên 5.000 km; trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tại khu vực phía Nam, có 10 dự án cao tốc với tổng mức đầu tư 120.832 tỷ đồng cần triển khai. Trong khi đó, hệ thống quốc lộ tập trung cũng cần nguồn vốn rất lớn để nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông; nghiên cứu mở rộng một số đoạn tuyến có nhu cầu vận tải cao…

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - thành viên liên danh tư vấn thực hiện Quy hoạch, định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ cao tốc trên các trục Bắc - Nam, khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL sẽ có khoảng 5.414 km và năm 2050 đạt khoảng 8.240 km. Trong đó, quy hoạch cao tốc khu vực phía Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.258 km, quy mô cao tốc từ 4 đến 8 làn xe; cao tốc vành đai đô thị TP.HCM gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 304 km, quy mô cao tốc từ 4 đến 8 làn xe.

Ngoài ra, tại khu vực phía Nam định hướng quy hoạch 14 tuyến quốc lộ chính yếu, tổng chiều dài khoảng 1.969 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe; 25 tuyến quốc lộ thứ yếu, chiều dài khoảng 3.453 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 làn xe.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, trong hơn 10 năm qua, sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, đặc biệt là đường cao tốc rất chậm và quá khiêm tốn. Đến nay, cả khu vực chỉ có 41 km cao tốc Trung Lương - TP.HCM và đang làm thêm 52 km cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khởi công 23 km cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Như vậy, khi hoàn thành chỉ có 115 km cao tốc. Đây là tỉ lệ quá thấp so với một vùng chiếm 13% diện tích cả nước. Bài toán hạ tầng giao thông cho vùng này chưa thật sự phù hợp, điểm nghẽn hạ tầng đang kéo tụt khả năng cạnh tranh của vùng, của mỗi địa phương trong vùng so với các vùng khác.

Không dàn trải, tăng tính liên kết

Bài toán khó nhất cho phát triển giao thông ĐBSCL chính là nguồn lực đầu tư. Theo Bộ GTVT, phát triển mạng lưới đường bộ, đặc biệt là cao tốc tại khu vực này đòi hỏi quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống, đặc biệt là nguồn vốn, cơ chế cũng như nỗ lực của mỗi địa phương.

Bộ GTVT cho rằng, đối với tất cả hệ thống quốc lộ hiện tại cố gắng giữ nguyên, hạn chế mức tối đa giải phóng mặt bằng; tăng cường nâng cấp mặt đường, hệ thống an toàn giao thông. Đồng thời đầu tư các trục xuyên tâm kết nối với tuyến quốc lộ sẽ giải quyết được cơ bản những điểm “khó” của mỗi địa phương. Trong khi đó, dồn tối đa nguồn lực để phát triển các dự án cao tốc để không dàn trải, tạo đột phá trong liên kết vùng.

Ông Lê Đình Thọ cũng khẳng định, trong giai đoạn tới, đầu tư cho giao thông vùng ĐBSCL sẽ được ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp mạnh dạn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư. “Các hợp đồng BOT xây dựng cao tốc vẫn phát huy tốt nguồn lực xã hội trong đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công, tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đây là cơ sở rất quan trọng để Bộ GTVT hoàn toàn tin tưởng trong thời gian tới. Căn cứ Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan, địa phương để tăng cường xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực GTVT trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn hạn chế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực. ĐBSCL trong thời gian tới sẽ thay đổi bộ mặt bằng những dự án thực sự hiệu quả từ mô hình này.”- ông Lê Đình Thọ cho biết.

Tin cùng chuyên mục