Đầu tư công năm 2021: Bố trí vốn sát với khả năng thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc lập và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 sẽ có một số điểm mới, đặc thù. Các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý để phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiệu quả.
Năm 2021, sẽ khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2021, sẽ khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Theo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lần này, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, trong đó vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương (NSTW) tăng 0,9%, vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 1,9% so với kế hoạch năm 2020.

Trong số này, phân bổ 16 nghìn tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia; 15.038 tỷ đồng cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam; 4.660 tỷ đồng cho Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để bổ sung đủ số vốn còn thiếu; 2.804 tỷ đồng cho các dự án đường ven biển; 4.707 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương để chuẩn bị đầu tư, thực hiện một dự án khởi công mới trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Chính phủ nhấn mạnh, định hướng đầu tư công năm 2021 sẽ phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025 để tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa. Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó lưu ý các dự án khởi công mới trong năm 2021 sẽ có quy trình thủ tục khác. Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giao danh mục và mức vốn NSTW kế hoạch năm 2021 cho các dự án, nhiệm vụ mới (chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016 - 2020) của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, đối với các dự án khởi công mới, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 10/12/2020, là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao danh mục và mức vốn NSTW kế hoạch năm 2021 đối với các dự án này trước ngày 31/12/2020.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương lưu ý bảo đảm sau khi thực hiện phân bổ vốn đúng theo nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí nếu còn vốn mới đề xuất khởi công mới. Khi đề xuất khởi công mới, phải làm rõ tính cần thiết, cấp bách, tiến độ hoàn thành thủ tục và bảo đảm giải ngân được trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, cũng là năm đầu tiên thực hiện Khoản 4 Điều 44 Nghị định 40/2020/NĐ-CP. Cụ thể, trường hợp đến ngày 31/1 năm sau năm kế hoạch, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công được giao hằng năm, không có các trường hợp bất khả kháng được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định tại Nghị định này, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn NSTW của bộ, cơ quan trung ương, địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật NSNN.

Vì thế, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư vốn NSNN năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Tin cùng chuyên mục