Đầu tư công: Qua rồi thời “vung tay quá trán”

(BĐT) - Với quy định tại Luật Đầu tư công và những nguyên tắc bố trí vốn tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn vốn bố trí cho các dự án khởi công mới sẽ còn rất ít. Các đơn vị sẽ phải chắt bóp hơn, không thể “vung tay quá trán”, phê duyệt đầu tư tràn lan.
Quy định nghiêm ngặt về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đã khiến các bộ, ngành, địa phương không thể phê duyệt dự án tràn lan
Quy định nghiêm ngặt về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đã khiến các bộ, ngành, địa phương không thể phê duyệt dự án tràn lan

Ngày càng siết chặt

Có tỉnh tính đến 31/12/2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và dự án đang thi công dở dang với tổng số vốn còn phải bố trí là 9.147,11 tỷ đồng, nhưng năm 2012, 2013 vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án với tổng mức đầu tư là 6.943,22 tỷ đồng là nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đây là thực tế được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong một báo cáo chuyên đề về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng công bố hồi đầu năm 2015. Con số này phần nào phản ánh thực trạng quyết định đầu tư tràn lan, đầu tư công dàn trải của vài ba năm về trước khi mà tình trạng chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dở dang nhưng vẫn khởi công các công trình mới dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản là rất phổ biến.

Không ai chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định đầu tư sai, lãng phí. Không ai bị kỷ luật vì những dự án dở dang, kéo dài đằng đẵng dẫn đến đội vốn hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Đầu tư công có lẽ vì thế luôn là việc “cha chung không ai khóc” và duyệt dự án nhiều hơn khả năng vốn được phân bổ, “vung tay quá trán” là câu chuyện thường tình đối với đầu tư công khi đó.

Câu chuyện này đã được viết lại, rất khác, từ khi có những quy định mạnh mẽ trong chấn chỉnh đầu tư công, mà khởi xướng từ Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011. Sự thay đổi rất rõ rệt trong năm 2016 sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực và rất nhiều quy định về phân bổ vốn đầu tư công được ban hành. Những quy định chặt chẽ đã và đang khiến các bộ, ngành, địa phương không thể “vung tay quá trán” trong sử dụng vốn đầu tư công.

Không ít địa phương quen với nếp cũ đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ KH&ĐT xin được nới lỏng các điều kiện. Thế nhưng, quan điểm của Bộ KH&ĐT là thực hiện đúng quy định, đảm bảo ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Nhìn thấy rất rõ hiệu quả là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến hết kế hoạch năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Số dự án hoàn thành giai đoạn 2011 - 2015 tăng nhanh (hoàn thành khoảng 10.200 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và 2.000 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ); số lượng dự án khởi công mới bằng vốn ngân sách trung ương chỉ khoảng 4.250 dự án, giảm đáng kể so với giai đoạn trước. 

Sẽ còn rất ít vốn cho dự án mới

Nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ, ưu tiên hàng đầu là bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014. Tiếp theo bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020. Dự án khởi công mới thuộc diện ưu tiên cuối cùng, sau khi đã bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc thứ tự ưu tiên trên. Đối với vốn trái phiếu chính phủ, dự án khởi công mới cũng thuộc diện ưu tiên sau cùng.

Các dự án khởi công mới cần đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt, phải có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77 và Nghị định 136 của Chính phủ.

Quy định nghiêm ngặt về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, coi đây là một hành vi bị cấm trong đầu tư công theo quy định tại Luật Đầu tư công cũng sẽ khiến các bộ, ngành, địa phương không thể phê duyệt dự án tràn lan, yêu cầu nhà thầu ứng vốn thực hiện dự án như trước.

Trong giai đoạn tới có thể nhìn thấy rõ nguồn vốn dành cho các dự án mới sẽ rất hạn hẹp. Trường hợp của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong tổng số hơn 1.500 tỷ đồng vốn bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung cho các dự án đầu tư của KTNN giai đoạn 2017 - 2020 thì nếu trừ đi tạm ứng, dự phòng, số vốn còn lại để phân bổ chỉ là vài trăm tỷ đồng là một ví dụ.

Có lẽ đây không chỉ là tình trạng riêng KTNN phải đối diện trong 4 năm còn lại của giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều địa phương, bộ, ngành qua trao đổi với Báo Đấu thầu đều cho biết, sau khi bố trí vốn theo các thứ tự ưu tiên trên, số vốn dành cho dự án khởi công mới giai đoạn tới còn rất ít, thậm chí có bộ không còn vốn cho bất kỳ một dự án khởi công mới nào.

Ông Hồ Sỹ Hòa, Trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch và kế hoạch thuộc Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết, số dự án khởi công mới trên địa bàn Tỉnh giảm mạnh, năm 2013, 2014 là 120 dự án mỗi năm, đến năm 2015 còn 95 dự án và năm 2016 là 21 dự án. Từ năm 2017 đến 2020, Tỉnh đề xuất khởi công 15 dự án từ nguồn cân đối ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đến cuối tháng 9/2014 có 1.092 chủ trương đầu tư đã ban hành với tổng mức đầu tư 33.424 tỷ đồng, đến 30/10/2016, còn lại 801 dự án, tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

Ông Đào Minh Chánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM cũng cho biết, số dự án khởi công mới của Thành phố trong giai đoạn 4 năm tới từ nguồn ngân sách nhà nước giảm rất mạnh, vì không còn vốn bố trí.

Trong bối cảnh này, giải pháp được nhiều địa phương tính đến là huy động đa dạng các nguồn lực để bù đắp, và hình thức đầu tư PPP được cả đại diện Sở KH&ĐT Nghệ An và TP.HCM nhắc đến như một giải pháp quan trọng.

Tin cùng chuyên mục