Đầu tư công tại Cao Bằng: Tắc giải ngân, xin kéo dài thời gian thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 7 tháng đầu năm, tỉnh Cao Bằng giải ngân vốn đầu tư công được 587,395 tỷ đồng, đạt 12,85% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Trước thực trạng này, tỉnh Cao Bằng đã đề xuất với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được kéo dài thời gian thực hiện nhiều dự án lớn.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.569,667 tỷ đồng. Ảnh: Đức Hòa
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.569,667 tỷ đồng. Ảnh: Đức Hòa

Giải ngân đạt thấp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao 4.569,667 tỷ đồng gồm 4.126,974 tỷ đồng vốn trong nước và 442,693 tỷ đồng vốn nước ngoài. Tính đến hết ngày 31/7/2022, tỉnh Cao Bằng đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án là 4.031,667 tỷ đồng, đạt 88,22% kế hoạch, còn lại 538 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ chi tiết, chiếm 11,78% kế hoạch vốn năm 2022.

Về giải ngân, tính đến hết 7 tháng đầu năm 2022, tỉnh Cao Bằng giải ngân được 587,395 tỷ đồng, gồm 538,983 tỷ đồng vốn trong nước và 48,412 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 12,85% kế hoạch được giao. Ước tính đến hết tháng 1/2023, tỉnh Cao Bằng dự kiến giải ngân được 2.658,8 tỷ đồng, gồm 2.272,552 tỷ đồng vốn trong nước và 386,248 tỷ đồng vốn nước ngoài, chỉ đạt 58,18% kế hoạch năm 2022.

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu, tỉnh Cao Bằng đã có các văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nhiều dự lớn của địa phương. Cụ thể, tại Dự án Đường tỉnh 208 (từ thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An - xã Cách Linh, xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang, huyện Hạ Lang đến xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng đề xuất được điều chuyển một phần kế hoạch vốn năm 2022 của Dự án cho các dự án khác của Tỉnh thuộc nguồn ngân sách trung ương để phù hợp với khả năng giải ngân. Đồng thời, tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất cho phép tiếp tục bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho Dự án trong năm 2023, được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 đối với kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 không giải ngân hết của Dự án. Dự án Đường tỉnh 208 có tổng chiều dài tuyến trên 86 km, tổng mức đầu tư hơn 1.470 tỷ đồng, khởi công từ tháng 6/2018.

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, nguyên nhân Dự án giải ngân chậm là do phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Hiện nay UBND tỉnh Cao Bằng đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, rồi mới có thể triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Điều chuyển phải đúng thẩm quyền, kéo dài phải đúng quy định

Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định tại Khoản 6 Điều 67 Luật Đầu tư công, thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm giữa các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu là của UBND tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, Tỉnh cần lưu ý năm 2022 đã quá thời gian bố trí thực hiện và giải ngân đối với dự án này.

Thẩm quyền cho phép kéo dài bố trí vốn kế hoạch năm quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công, nhưng chỉ đối với các trường hợp bất khả kháng. Cụ thể, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với ngân sách trung ương. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị, UBND tỉnh Cao Bằng có các giải pháp quyết liệt để giải ngân hết số vốn kế hoạch đã được giao cho dự án này.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị được điều chỉnh giảm số vốn 538 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 đã giao cho Tỉnh để thực hiện dự án trọng điểm, kết nối có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững tại Quyết định 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển sang các dự án tại các địa phương khác có khả năng giải ngân theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ. Tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện bố trí lại cho Tỉnh số vốn này vào các năm 2023 - 2025, đảm bảo đủ 2.500 tỷ đồng phần vốn ngân sách trung ương tham gia thực hiện Dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho phép Tỉnh được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022, nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương cho Dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Cao Bằng (sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với số tiền 3.556,566 triệu đồng).

UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bão lũ tại một số địa phương trong năm 2020, một số tiểu dự án cấp điện nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 chưa thể hoàn thành theo kế hoạch được giao. Ngày 12/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép gia hạn thời gian thực hiện Chương trình đến hết năm 2021. Dự án Cấp điện nông thôn của tỉnh Cao Bằng được bố trí 10 tỷ đồng vốn ODA trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và cần được giải ngân trong năm 2021 theo đúng kế hoạch.

Theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, do Chương trình mục tiêu cấp điện đã hoàn thành, Hiệp định tài chính Chương trình do EU tài trợ giai đoạn này cũng đã kết thúc, việc tiếp tục bố trí vốn năm 2022 cho Dự án là không có cơ sở. Tuy nhiên, do Dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước, việc kéo dài thời gian giải ngân vốn được giao năm 2021 sang năm 2022 cần được báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép. Để có cơ sở xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của tỉnh Cao Bằng, UBND Tỉnh cần báo cáo rõ lý do không hoàn thành theo đúng tiến độ, thống nhất số liệu báo cáo và xin ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này.