Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - Điểm cuối hành lang kinh tế Đông - Tây đưa hàng hóa ra thế giới |
EWEC là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước trên hành lang. Với chiều dài 1.450 km, EWEC đi qua 4 nước, bắt đầu từ TP. Mawlamyine (Myanmar) qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam tại TP. Đà Nẵng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng lang này chạy dài và xuyên qua bán đảo Đông Nam Á, nối liền 2 khu vực kinh tế là Đông Á với Nam Á, rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, tuyến EWEC chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua 3 địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Theo nhận định của lãnh đạo các địa phương, sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên tuyến vẫn chưa được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để EWEC trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự. Hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển; quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang kém phát triển.
Nhận định vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước trên EWEC, các đại biểu cho rằng cần đề xuất với các bộ, ngành, Trung ương nâng cao hiệu quả vận tải để góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển kinh tế của hành lang kinh tế này.
Muốn nâng cao hiệu quả vận tải, ông Nguyễn Công Bằng - Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, giai đoạn tới cần tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông giữa các quốc gia trên hành lang. Ông cũng nhận định, xu hướng tái định hình và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội lớn cho các địa phương trên EWEC hội nhập sâu rộng hơn nữa trong dòng chảy thương mại quốc tế.