Trạm thu phí BOT QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương đặt phường Cẩm Phú (TP. Cẩm Phả) của chủ đầu tư Cty CP BOT Biên Cương được cho sẽ phát sinh nhiều bất cập đối với người dân các phường lân cận. Ảnh: P.V |
Ngoài DA cải tạo QL 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí đã hoàn thành khai thác, các DA còn lại đang triển khai đến hết 2017. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ngoài hiệu quả, những DA từ BOT đã bộc lộ những điểm yếu từ quản lý chủ đầu tư; việc giám sát quản lý chất lượng, tiến độ xây dựng; nhà thầu yếu kém nhưng vẫn được nhận thi công do quan hệ lợi ích, dẫn đến chủ đầu tư trục lợi, khai tăng chi phí...
Khó kiểm soát lợi ích chủ đầu tư
Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, sau 5 năm triển khai, đầu tư các DA thuộc BOT giao thông bước đầu cải thiện về hạ tầng, cầu đường bộ lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, đáp ứng quy hoạch giao thông đường bộ đến năm 2020 và định hướng 2030. Tại các địa phương có DA đi qua, hạ tầng cơ sở hai bên tuyến được nâng cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền.
Tuy nhiên, báo cáo giám sát của thành viên đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập về thể chế, chính sách và những tồn tại của chủ đầu tư. Theo đó, một trong những DA cải tạo QL 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí và nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương lựa chọn xây dựng BOT trên nền tuyến có sẵn, lại là tuyến duy nhất nên mang lại lợi ích, thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư, đảm bảo nguồn thu, nhưng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng đối với người dân khi bắt buộc phải lựa chọn sử dụng những công trình này.
Hiện DA đoạn Hạ Long - Uông Bí là minh chứng rõ nét nhất. Chỉ vài tháng nữa, hai trạm thu phí đi - về thuộc chủ đầu tư là Cty CP BOT Biên Cương nằm án ngữ giữa khu dân cư thuộc phường Cẩm Phú và Cẩm Thịnh (TP. Cẩm Phả) - sẽ đi vào hoạt động, thu phí tuyến đường cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương.
Như vậy, thiệt thòi nhất sẽ là người dân sinh sống ở 2 phường đông đúc nêu trên mỗi khi đi làm, đi chợ hay thăm, khám bệnh viện. “Di chuyển vài cây số qua đây, mà phải trả phí qua lại tuyến đường thân thuộc là rất vô lý và bất cập”- ông Trung, một cán bộ Cty tuyển than Cửa Ông - phản ứng.
Những lo ngại, bất cập
Theo ý kiến của các thành viên báo cáo đoàn giám sát, tại các DA của chủ đầu tư BOT, trong khâu thực hiện, chủ đầu tư có toàn quyền quyết định, tác động lên những yếu tố hình thành nên giá thành công trình và thời gian khai thác DA sau này.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước khu vực VI đã có kết luận về những tồn tại của chủ đầu tư trong việc quản lý tài chính, xác lập các chỉ tiêu trong phương án tài chính cũng như kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn đối với DA cầu Bạch Đằng và đường nút cuối tuyến giảm đi 4,95 năm/tổng số 24,1 năm hoàn vốn chủ đầu tư. Trong những bất cập được nêu rõ kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh luật, nghị định về quy định giám sát chặt chẽ đối với các DA liên quan đến đầu tư BOT.
Một thành viên trong HĐND tỉnh Quảng Ninh chỉ ra rằng: Với những quy định hiện nay, chủ đầu tư được chủ động chọn hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, chủ động các điều khoản hợp đồng, chủng loại vật tư, giá thành sản phẩm; lựa chọn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hình thức nghiệm thu, thanh toán...
“Như vậy, khi công trình hoàn tất, họ chỉ việc mời các cơ quan chức năng như: Thanh tra, kiểm toán, cơ quan thẩm định vào phê duyệt báo cáo quyết toán - thực chất là hậu kiểm tra trên hồ sơ hoàn công, quyết toán đã được hoàn thiện mà thôi”- vị đại biểu này phân tích.
Trao đổi với đoàn giám sát Quốc hội về các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, không chỉ có DA mở rộng, nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương mà các dự án BOT giao thông, do sử dụng vốn trực tiếp của nhà đầu tư nên rất nhiều khâu trong quá trình xây dựng không có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước.
Đơn cử như lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, thanh quyết toán công trình. Vì vậy dẫn tới tình trạng có nhà đầu tư lợi dụng để trục lợi, khai tăng chi phí, chỉ định thầu cho các nhà thầu có quan hệ lợi ích. Việc lựa chọn nhà thầu thi công còn chưa có sự cạnh tranh, vì mục đích tối ưu hóa lợi nhuận nên các vấn đề ATGT, vệ sinh môi trường ít được chú trọng...
Việc không minh bạch tài chính, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ của Nhà nước ở các DA BOT là một trong những vướng mắc không chỉ ở Quảng Ninh. Đây là một hạn chế đối với hầu hết các DA giao thông BOT trong cả nước. Do đó, Nhà nước cần thiết đánh giá lại, xây dựng cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với hình thức đầu tư BOT.