Đầu tư dự án PPP xử lý nước thải y tế: Bộ Y tế xin cơ chế đặc thù

(BĐT) - Bộ Y tế vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù về việc thực hiện đầu tư xử lý nước thải y tế (NTYT) trong các cơ sở y tế (CSYT) công lập theo hình thức đối tác công tư (PPP). Lý do là các dự án đầu tư này có một số đặc thù về tính chất và yêu cầu so với các dự án PPP khác.
Bộ Y tế cho rằng, việc trao quyền cho cơ sở y tế lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP xử lý nước thải y tế nhằm gắn trách nhiệm và tạo sự chủ động hơn cho các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Y tế cho rằng, việc trao quyền cho cơ sở y tế lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP xử lý nước thải y tế nhằm gắn trách nhiệm và tạo sự chủ động hơn cho các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Y tế, về tính chất đặc thù, hệ thống xử lý NTYT là một công trình gắn liền với hiện trạng thiết kế tổng thể của toàn bộ các tòa nhà trong CSYT, để đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ lượng NTYT phát sinh trong CSYT. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, CSYT phải chịu trách nhiệm về kết quả xử lý NTYT. Hầu hết dự án xây dựng hệ thống xử lý NTYT đều là dự án quy mô nhỏ và phân tán, thuộc dự án nhóm C (trừ một vài dự án theo mô hình cụm, hoặc phân tán tại một số bệnh viện tuyến trung ương).

Đặc biệt, theo lộ trình đến năm 2020, giá dịch vụ khám chữa bệnh được tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước. Do đó, các bệnh viện sẽ tự chủ hơn trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính của đơn vị.

Đối với yêu cầu về xử lý NTYT, do có nhiều loại hình CSYT khác nhau (thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như khám, điều trị bệnh, dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe ban đầu...) nên đặc điểm NTYT phát sinh từ các CSYT này cũng khác nhau. Do đó, yêu cầu về xử lý NTYT cũng khác nhau, nhất là nước thải từ các bệnh viện có quy mô giường bệnh lớn có nguy cơ gây ô nhiễm cao hơn so với các CSYT còn lại.

Với những lý do trên, Bộ Y tế cho rằng, nên giao cho CSYT chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư. Bởi vì, CSYT là đơn vị hiểu rõ nhất về thực trạng phát sinh nước thải và các yêu cầu về bảo vệ môi trường phải tuân thủ, từ đó có đề xuất giải pháp đầu tư, công nghệ phù hợp nhất. Việc trao quyền này nhằm gắn trách nhiệm và tạo sự chủ động hơn cho các CSYT, khuyến khích các CSYT tăng cường xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này.

Cùng với đó, CSYT nên là đơn vị chịu trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng. Lý giải đề xuất này, theo Bộ Y tế, CSYT là pháp nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xử lý NTYT, cũng như trực tiếp giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành, hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý NTYT do nhà đầu tư trúng thầu xây dựng. Hơn nữa, CSYT còn chịu trách nhiệm chi trả chi phí hàng tháng cho dịch vụ xử lý NTYT do nhà đầu tư cung cấp trên cơ sở cùng nhà đầu tư kiểm tra, xác nhận kết quả công việc.

Theo lộ trình đến năm 2020, giá dịch vụ khám chữa bệnh được tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước. Do đó, các bệnh viện sẽ tự chủ hơn trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính của đơn vị.
Liên quan đến đề xuất này, phóng viên Báo Đấu thầu đã khảo sát sơ bộ tình hình đầu tư xử lý NTYT trong các CSYT công lập trong 3 năm gần đây. Kết quả cho thấy, các dự án đầu tư xử lý NTYT thường có tổng mức đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng, trong đó, gói thầu xây lắp thường có quy mô lớn nhất.

Đơn cử như Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTYT cho Bệnh viện Phụ sản Hải Dương có tổng mức đầu tư là 22,609 tỷ đồng (phê duyệt ngày 17/9/2018), trong đó Gói thầu số 07 Thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị có giá gói thầu là 20,35 tỷ đồng. Hay Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học có tổng mức đầu tư là 16,975 tỷ đồng (phê duyệt ngày 20/7/2017), trong đó Gói thầu Xây lắp, cung cấp lắp đặt máy móc, thiết bị, công nghệ có giá gói thầu là 15,838 tỷ đồng...

Cá biệt, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải có tổng mức đầu tư trên 78 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu số 1 Thiết kế - cung cấp, lắp đặt thiết bị, công nghệ và thi công (EPC) hệ thống xử lý nước thải, chất thải nguy hại; cải tạo, thay thế hệ thống cấp thoát nước của Bệnh viện có giá gói thầu là 49,128 tỷ đồng.

Đối với việc vận hành, bảo dưỡng, hay nâng cấp, cải tạo, xây dựng thêm hệ thống xử lý NTYT hàng năm, tổng mức đầu tư thường dao động trên dưới 10 tỷ đồng.

Chẳng hạn như Dự án Xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải 220 m3/ngày đêm tại khu A để nâng cấp công suất hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từ 600 m3/ngày đêm lên 820 m3/ngày đêm có tổng mức đầu tư là 7,176 tỷ đồng (phê duyệt ngày 17/12/2018), trong đó phần xây lắp có giá dự toán là 6,806 tỷ đồng. Hay Dự án Cải tạo, sửa chữa, sơn lại 2 nhà (A - B) và các hạng mục phụ trợ; sửa chữa, xây dựng trạm xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, tổng mức đầu tư là 6,975 tỷ đồng, trong đó giá Gói thầu số 1 là 5,858 tỷ đồng...

Một trường hợp khá hiếm hoi là Dự án Cải tạo, nâng cấp xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn y tế cải thiện môi trường Bệnh viện Đa khoa Dung Quất và Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đợt 1, tổng mức đầu tư là 32 tỷ đồng (phê duyệt ngày 23/10/2017)...