Đầu tư đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cần đột phá liên vùng

(BĐT) - Việc đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 5 năm tới đang đặt ra nhiều thách thức về vốn và tính đột phá cho liên kết vùng.
Đầu tư đường bộ vùng ĐBSCL: Cần đột phá liên vùng. Ảnh Internet
Đầu tư đường bộ vùng ĐBSCL: Cần đột phá liên vùng. Ảnh Internet

Nhiều dự án lớn cần rót vốn

Theo thống kê mới đây, trên vùng ĐBSCL đến nay có khoảng 415 doanh nghiệp, hợp tác xã và khoảng gần 200 hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh doanh vận tải hành khách với tổng số 7.995 xe khách.

Về xe vận tải hàng hóa, khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 430 đầu kéo, 476 sơ mi rơ mooc và 575 xe xì téc. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tên toàn Vùng chủ yếu tập trung trên các tuyến quốc lộ chính như: Quốc lộ (QL) 1A, QL91, QL63, QL80 kết nối các tỉnh trong Vùng với TP.HCM và các vùng khác. Loại hàng vận chuyển chủ yếu là các loại nông lâm thuỷ hải sản và vật liệu.

Con số này có vẻ khiêm tốn so với phương tiện đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 160.000 chiếc, tổng trọng tải tàu hàng khoảng 5.000.000 tấn. Về vận chuyển hành khách đạt trên 115 triệu hành khách, chiếm khoảng 80% so với cả nước. Khối lượng hàng hóa đạt khoảng 50 triệu tấn, chiếm khoảng 30% so với cả nước.

Trong báo cáo gần đây của Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tại một hội nghị phát triển vận tải vùng ĐBSCL đã đánh giá, mạng lưới đường bộ của Vùng hiện vẫn còn kém phát triển so với cả nước mặc dù đã được ưu tiên đầu tư trong những năm gần đây. Chính vì vậy, trong quy hoạch hạ tầng giao thông tại Vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, riêng lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT sẽ triển khai 33 dự án, trong đó có 20 dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn trái phiếu chính phủ.

Để tăng năng lực cạnh tranh ở vùng ĐBSCL thì không chỉ giao thông đường bộ mà cần cải tiến hạ tầng giao thông vận tải hàng không, đường thủy...GS. Võ Tòng Xuân

Các dự án này bao gồm: Xây dựng cầu Đại Ngãi (hợp phần 2), mở rộng QL91 đoạn Km0 - Km7 TP. Cần Thơ, xây dựng tuyến tránh QL91 qua TP. Long Xuyên, tuyến tránh QL1 qua TP. Cà Mau, xây dựng tuyến N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang, nâng cấp QL30, QL61B, QL57, QL91C...

Ngoài ra, còn có 2 dự án kêu gọi ODA để đầu tư gồm Dự án Đường hành lang ven biển giai đoạn 2 từ Rạch Giá đi Hà Tiên, bao gồm cả cửa khẩu Hà Tiên và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Và có 11 dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, gồm: Xây dựng cầu Đại Ngãi (hợp phần 1), cầu Châu Đốc, đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, QL62 từ Âu Rạch Chanh - Mộc Hóa, QL60 đoạn cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên.

Bên cạnh việc hoàn thành các dự án giao thông đang triển khai dở dang, theo ước tính gần đây của Bộ GTVT, số vốn để đầu tư vào hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ cần huy động khoảng 86.319 tỷ đồng để triển khai các dự án, trong đó phần lớn sẽ dành cho hệ thống đường bộ với khoảng 65.000 tỷ đồng.

Ưu tiên những công trình có tính đột phá

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong chiến lược phát triển giao thông đường bộ vùng ĐBSCL đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ các tuyến quốc lộ sẽ được nâng cấp, mở rộng. Các bến phà được thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong khu vực đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, khi nói về phương thức vận tải ở vùng ĐBSCL, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, việc xây dựng hệ thống đường bộ rất đắt tiền. Để vùng ĐBSCL tăng năng lực cạnh tranh trong thời đại hội nhập quốc tế thì không chỉ giao thông đường bộ, mà cần cải tiến hạ tầng giao thông vận tải đường thủy, đường sắt, đường hàng không, và dịch vụ giao hàng. Theo GS. Võ Tòng Xuân, cần thiết phải lập mạng lưới giao thông liên vùng hữu hiệu để có thể lập kế hoạch và quản lý vận tải hiệu quả cao.

Nhiều ý kiến đề xuất rằng, song song với đầu tư phát triển đường bộ ở vùng ĐBSCL thì cần đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải đường bộ, đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, cần nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của các nước ASEAN để đảm bảo kết nối và hội nhập quốc tế. Cần có chính sách hỗ trợ, từng bước phát triển vận tải hành khách công cộng đô thị, đồng thời kiểm soát phương tiện cá nhân.

Đại diện của Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT cho biết, để khai thác hết nâng lực, hiệu quả các công trình giao thông trên vùng ĐBSCL thì việc xây dựng nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, tránh cục bộ địa phương gây lãng phí đầu tư.

Theo đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển những công trình có tính đột phá, tạo được sự liên kết vùng và giữa các phương thức vận tải.