Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp: Đề xuất trao quyền quyết định cho địa phương

(BĐT) - Thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nhiều đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu mới đây tại Hà Nội đồng tình với đề xuất trao quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX cho UBND cấp tỉnh
Luật Đất đai năm 2024 sửa quy định về thu hồi đất với trường hợp thực hiện dự án khu công nghiệp theo hướng không yêu cầu dự án phải được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Luật Đất đai năm 2024 sửa quy định về thu hồi đất với trường hợp thực hiện dự án khu công nghiệp theo hướng không yêu cầu dự án phải được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định và thực hiện xuyên suốt từ năm 2005 đến nay tại Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020. Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng KCN cũng như thực hiện chủ trương hoàn thiện, cải cách thể chế và đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc thực hiện quy định chấp thuận chủ trương đầu tư nên xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh. Hiện nay, các nội dung thẩm định dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đều thuộc thẩm quyền xem xét của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lâm nghiệp và pháp luật có liên quan. Trên thực tế, khi ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các KCN, Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu UBND cấp tỉnh xem xét điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các điều kiện về môi trường, quy hoạch… và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc giám sát, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn.

Mặt khác, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế đã được xây dựng và hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể, minh bạch các tiêu chí, điều kiện thành lập, mở rộng KCN (bao gồm tiêu chí về quy hoạch; tỷ lệ lấp đầy các KCN; các điều kiện sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường...). Luật Đất đai năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh; sửa đổi quy định về thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án KCN theo hướng không yêu cầu dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Do vậy, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu đã đề xuất sửa quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư để phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN cho UBND cấp tỉnh. Việc sửa đổi này là phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ về thẩm quyền trong triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Vũ Minh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Yên Bái cho biết, việc trao quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh sẽ tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cấp phép đầu tư các dự án này, đẩy nhanh thủ tục và tiến độ triển khai các dự án, đúng với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Việc đầu tư, thành lập, mở rộng KCN sẽ được kiểm soát trên cơ sở phương hướng xây dựng KCN, khu kinh tế và phương án phát triển hệ thống KCN theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; các yêu cầu, điều kiện về thành lập, mở rộng KCN (bao gồm tiêu chí về tỷ lệ lấp đầy các KCN; các điều kiện sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường...) theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Cán bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cho rằng, việc Dự án Luật đề xuất trao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN cho UBND cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện cho Hải Dương sớm thực hiện đầu tư và đưa vào hoạt động 15 dự án KCN đang trong quá trình làm thủ tục cấp phép đầu tư. Mặt khác, địa phương sẽ chủ động lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp để triển khai dự án. Tuy nhiên, khi trao quyền cho địa phương, cần làm rõ quy trình mà địa phương phải tuân thủ, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các thủ tục, sớm đầu tư hoàn thành dự án.

Tin cùng chuyên mục