Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ước đạt hơn 980.000 tỷ đồng, nhiều công trình giao thông lớn, trọng điểm thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không được đầu tư. Tuy nhiên, khả năng kết nối giữa các lĩnh vực còn hạn chế, tỷ trọng vốn đầu tư giữa các ngành không đồng đều, tỷ lệ đảm nhận các phương thức vận tải không cân đối…
Sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải gây sức ép lớn lên kết cấu hạ tầng đường bộ. Ảnh: Lê Tiên
Sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải gây sức ép lớn lên kết cấu hạ tầng đường bộ. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng vận tải hành khách trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay có sự mất cân đối giữa các phương thức vận tải, thị phần vận tải giữa các lĩnh vực giao thông không đồng đều. Trong đó, vận tải đường bộ là chủ yếu và không phát huy được hiệu quả khai thác của các phương thức vận tải khác.

Cụ thể, vận tải hành khách đường bộ chiếm gần 88%, hàng không chiếm 6,77%, đường thủy nội địa chiếm 4,92%, đường sắt chiếm 0,33%. Trong vận chuyển hàng hóa, đường bộ chiếm 76,5%, đường sông chiếm 17,37%, đường biển chiếm 5,55%, đường sắt chiếm 0,55%, hàng không chiếm 0,02%. Sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải gây sức ép lớn lên kết cấu hạ tầng đường bộ, tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông luôn ở mức cao, thiếu hụt nguồn lực như quỹ đất, nguồn nhân lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời không khai thác được lợi thế của các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường sông, đường biển.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc tiếp cận kết nối giao thông giữa các cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt chưa thực sự đảm bảo, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển lớn trong khi chỉ có một hoặc một số trục tiếp cận như cảng Cát Lái, cảng Thị Vải, cảng Hải Phòng..., dẫn đến tình trạng quá tải của đường bộ, giảm năng lực khai thác chung và mất an toàn giao thông. Trục kết nối với các cảng, bến thủy nội địa chủ yếu là các đường tỉnh, khả năng kết nối giữa hệ thống đường tỉnh với hệ thống quốc lộ còn hạn chế, kết nối trực tiếp hệ thống quốc lộ với cảng, bến thủy nội địa chưa phát huy hết năng lực.

Về hệ thống đường sắt, hầu hết các ga đường sắt chính trên tuyến đường sắt nằm sâu trong khu vực đô thị, việc tiếp cận chủ yếu kết nối từ hệ thống quốc lộ với các trục chính đô thị, việc khai thác, đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn hạn chế. Một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt. Hệ thống đường sắt kết nối vào khu vực cảng biển còn hạn chế, các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất chưa có đường sắt kết nối để giảm tải cho vận tải đường bộ, đồng thời phát huy thế mạnh của vận tải đa phương thức…

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư trong các lĩnh vực của kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2020 không đồng đều (bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhà nước). Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư vào đường bộ chiếm 70,08%; vào đường sắt chiếm 11,19%; vào hàng không chiếm 10%, vào hàng hải chiếm 5,87%, vào đường thủy nội địa chiếm 2,02%, lĩnh vực khác chiếm 1,19%.

Theo một chuyên gia về giao thông, sự chênh lệch trong đầu tư các loại hình vận tải một phần là do tính chất đặc thù của các loại hình kết cấu hạ tầng. Đường bộ có tính kết nối linh hoạt nhất nên dễ thu hút được đầu tư, trong khi dự án đường sắt có tổng mức đầu tư lớn nên khó huy động nguồn vốn xã hội hóa… Sau đường bộ thì hàng không, hàng hải cũng là những lĩnh vực dễ huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Chuyên gia này cho rằng, để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian tới cần phải giải quyết bài toán tổng thể, từ việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý đất đai đồng bộ và đầy đủ, đến cân đối các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, huy động nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực, công trình trọng yếu. Công tác quy hoạch, dự báo cần phải sát thực, có sự gắn kết và đồng bộ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cần bố trí vốn tập trung cho các công trình động lực. Việc quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ cũng cần phải chuyên nghiệp hơn.

Tin cùng chuyên mục