Đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt Hà Nội – Vinh

(BĐT) - Theo nội dung Đề án nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, nhiều hạng mục nhà ga, các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt này sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Các hạng mục bãi hàng, nhà kho, đường nhánh trên tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh sẽ được đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Ảnh: Lê Tiên
Các hạng mục bãi hàng, nhà kho, đường nhánh trên tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh sẽ được đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Ảnh: Lê Tiên

Chuẩn bị nâng cấp nhiều hạng mục

Bộ GTVT cho biết, để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp đường ga Giáp Bát trong năm 2017, dự kiến dành 12,44 tỷ đồng để cải tạo ga Vinh, dành 51,87 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ga Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng mái che ke ga Nam Định với tổng mức đầu tư dự kiến là 20 tỷ đồng. Các hạng mục nhà ga này đã được phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư từ cuối năm 2016.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu xây dựng mái che ke ga Phủ Lý với tổng mức đầu tư dự kiến là 12 tỷ đồng; nghiên cứu xây dựng bãi hàng ga Vinh theo hướng xã hội hóa.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT Đường sắt) nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng, các công trình thiết yếu nâng cấp tuyến để trình Bộ xem xét đầu tư theo khả năng bố trí vốn. Cụ thể là nâng cấp, cải tạo tuyến trên 16 khu gian với tổng chiều dài 138,69 km. Theo đó sẽ cải tạo nền đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp đường và thay ray - hàn dài, thay ghi, tà vẹt hư hỏng, bổ sung đá để nâng cao an toàn và tốc độ chạy tàu. Đối với đường cong bán kính nhỏ, thực hiện cải tạo khi địa hình thuận lợi và không phải giải phóng mặt bằng.

Theo Đề án được phê duyệt, ngành đường sắt sẽ mở thêm đường số 3 đối với 3 ga: Chợ Tía, Cát Đằng và Yên Lý; kéo dài đường ga đối với 7 ga: Thường Tín, Phú Xuyên, Đồng Văn, Bình Lục, Cầu Họ, Đặng Xá, Nghĩa Trang; đồng thời mở mới 1 ga trên khu gian Mỹ Lý - Quán Hành. Bộ GTVT cũng lên kế hoạch xây dựng 45 đoạn (dài 13,62 km) hàng rào, đường gom đồng bộ để xóa bỏ đường dân sinh tự mở (tập trung chủ yếu ở đoạn Hà Nội - Nam Định); lắp đặt chắn tự động tại các đường ngang; xây dựng 33 đoạn (dài 23 km) hàng rào cách ly ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ, khu dân cư.

Lên phương án huy động nguồn lực

Để có đủ nguồn lực nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh, Bộ GTVT giao TCT Đường sắt xây dựng phương án, cơ chế để kêu gọi các nhà đầu tư, chủ hàng cùng đầu tư xây dựng bãi hàng, nhà kho, đường nhánh theo phương thức xã hội hóa. Còn nguồn vốn đầu tư đóng mới đầu máy, toa xe sẽ được huy động từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay thương mại của TCT Đường sắt và các công ty cổ phần vận tải đường sắt.

TCT Đường sắt cũng được giao xây dựng phương án đầu tư xây dựng mái che, ke ga, nâng cấp nhà ga huy động từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt. Còn việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng, các công trình thiết yếu như kéo dài đường ga, thêm đường ga, các công trình đảm bảo an toàn giao thông dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn của Chính phủ.

Về giải pháp lâu dài, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư làm các đường nhánh từ các nhà máy, khu công nghiệp kết nối vào đường sắt quốc gia, trong đó ưu tiên đường nhánh nối vào Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa; đường sắt nối vào cảng ICD Đồng Văn, tỉnh Hà Nam; đường sắt nối từ đường nhánh chuyên dùng xi măng Bỉm Sơn hiện nay với các nhà máy trong Khu công nghiệp Bỉm Sơn; đường nhánh nối vào Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, Bộ GTVT dự kiến làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam xây dựng phương án đề xuất lên cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tiếp nhận hệ thống đường sắt chuyên dùng hiện có tại các công ty cổ phần xi măng về mạng lưới đường sắt quốc gia. Cùng với đó sẽ nâng cấp mở rộng ga Khoa Trường thành ga hàng hóa để đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt của Nhà máy Xi măng Công Thanh và Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Tập đoàn Xi măng Công Thanh đẩy nhanh Dự án Đường nhánh của Nhà máy kết nối vào ga Khoa Trường.