Đầu tư phát triển giao thông tạo tiền đề phát triển đột phá vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Trong nhiệm kỳ này, hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đầu tư và phát triển rất rõ nét. Sau nhiệm kỳ, chắc chắn ĐBSCL sẽ có tiềm năng và thế mạnh phát triển đột phá". Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL giai đoạn 2025 - 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã nghiên cứu để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giúp cho ĐBSCL phát triển một cách tốt nhất.

"GTVT của ĐBSCL hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu. Vì thế để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021 - 2025, trong các tháng vừa qua, Bộ GTVT đã rất tập trung để điều chỉnh quy hoạch giao thông, trong đó xác định GTVT sẽ có đóng góp quan trọng cho khu vực ĐBSCL, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này để phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Nêu một số điểm đột phá trong quy hoạch liên quan đến lĩnh vực giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về đường thủy đã đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP. Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay, bao gồm nghiên cứu thêm đường băng với sân bay Phú Quốc; hai sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ được ở đây.

"Về đường bộ, chúng tôi đánh giá đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần kết nối cảng biển với trung tâm TP. Cần Thơ. Do đó, trong nhiệm kỳ này, có thể nói Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ và Quốc hội đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn. Đến thời điểm này, chúng tôi xác định có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận xét.

Hiện nay, cả vùng ĐBSCL mới có 90 km đường cao tốc và đang triển khai 30 km nữa. Trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau hay tuyến cao tốc quan trọng An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này, ĐBSCL sẽ có khoảng 500 km đường cao tốc.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng tập trung phát triển vận tải biển, vận tải đường thủy, vì hiện nay khu vực này đường thủy rất phát triển. Bộ cũng đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội chủ trương xây dựng đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT mong các nhà đầu tư quan tâm đến ĐBSCL, bởi với hệ thống giao thông nêu trên chắc chắn sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế. Các địa phương, các tỉnh cần đồng tâm hiệp lực thực hiện các kế hoạch phát triển giao thông một cách đột phá. Nếu các tỉnh làm tốt thì sẽ có điều kiện thu hút đầu tư tốt hơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, Hội nghị cũng đã công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn bộ các dự án của 2 Bộ và 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khoản tài trợ 2,2 tỷ USD có vai trò là nguồn vốn "mồi" để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.

Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong Vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ.

Tin cùng chuyên mục