Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo Bộ KH&CN, hiện nay, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN là rất cần thiết, nhằm tăng cường năng lực KH&CN và giải quyết những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau một thời gian sử dụng, số trang thiết bị này cần phải được duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và trang bị mới theo kế hoạch hằng năm hoặc định kỳ để đáp ứng thực hiện các hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, nếu việc tăng cường trang thiết bị mới chỉ sử dụng kinh phí đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công, thì các dự án này phải nằm trong kế hoạch trung hạn hoặc dài hạn, vì vậy, không đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu KH&CN của các tổ chức KH&CN.
Mặt khác, một phần kinh phí sự nghiệp KH&CN hiện vẫn được cân đối cho các dự án tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu KH&CN của các bộ, ngành và địa phương. Do đó, để bảo đảm thực hiện nhu cầu và xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Bộ KH&CN cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ quy định rõ hơn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN để thực hiện công tác tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đối với một số chương trình KH&CN cấp quốc gia đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), kinh phí đang được giao về đơn vị dự toán cấp I của Bộ KH&CN để giao cho các đơn vị quản lý kinh phí cấp kinh phí vào tài khoản tiền gửi của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Để tránh xáo trộn, bảo đảm chất lượng chuyên môn cũng như hạn chế việc các nhiệm vụ của cùng một Chương trình được triển khai theo hai cơ chế cấp kinh phí khác nhau, tại Dự thảo Nghị định, Bộ KH&CN đề nghị được tiếp tục cấp kinh phí thông qua đơn vị dự toán cấp I của Bộ KH&CN cho đến hết giai đoạn 2016 - 2020.