Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm

(BĐT) - Các vị Bộ trưởng của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Giao thông vận tải (GTVT), Xây dựng cùng các lãnh đạo của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa đã cùng họp bàn thống nhất về đầu tư tuyến đường bộ ven biển nối các địa phương này. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Cuộc họp bàn thống nhất về đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Cuộc họp bàn thống nhất về đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Ảnh: Lê Tiên

Cuộc họp có ý nghĩa quan trọng để thống nhất đầu tư, từ đó giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, kết nối vùng.

Đảm bảo tính kết nối, vì lợi ích toàn vùng 

Tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa (550km) thuộc Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam (gọi tắt Quy hoạch 129) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế của từng địa phương, nhưng vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa triển khai được đồng bộ.

Hiện một số đoạn thuộc tuyến đường ven biển này song song hoặc trùng với tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được phê duyệt tại Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch 326). Đến nay còn một số tỉnh chưa thống nhất trong ưu tiên đầu tư, làm đường cao tốc hay đường ven biển, kết nối hai tuyến đường thế nào để phát huy hiệu quả; với tuyến đường ven biển thì cơ chế thực hiện, hướng tuyến, quy mô, nguồn vốn ra sao..., Quảng Ninh và Hải Phòng không có vướng mắc, nhưng hiện Nam Định muốn ưu tiên làm đường cao tốc;  còn Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa muốn làm đường ven biển. Sự thống nhất, kết nối là cần thiết để phát huy được hiệu quả cả 2 tuyến đường, tránh đầu tư lãng phí.

Cuộc họp ngày 28/3 do Bộ KH&ĐT khởi xướng, với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 6 tỉnh có dự án đi qua đã cùng lắng nghe ý kiến của từng địa phương, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thống nhất hướng hành động, thực hiện trong thời gian tới để làm sao hoàn thành tuyến đường trước năm 2020.

Cuộc họp này theo đánh giá của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là một cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực để cùng thống nhất hành động. Trước đây, nhiều địa phương đã ngồi lại với nhau, khi họp bàn thì rất vui vẻ, nhưng khi về thì lại vì trách nhiệm với địa phương, vì lợi ích của địa phương mà chưa đi đến thống nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nghĩa vẫn băn khoăn kết nối tuyến cao tốc và tuyến đường ven biển bằng cách nào, nguồn lực ở đâu?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng lưu ý phải có đường kết  nối hai tuyến đường này. Tùy địa phương, địa phương nào trùng cao tốc thì làm cao tốc, còn không trùng, nếu có nhu cầu thì làm song song nhưng phải tính đến sự kết nối giữa hai tuyến.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc họp rất có ý nghĩa, có thể mang tính lịch sử cho cả vùng, cả đất nước khi các bộ, địa phương thống nhất, đồng tâm hiệp lực cùng nhau chia sẻ sự phát triển của toàn vùng, cùng làm 1 tuyến đường hết sức quan trọng, có chủ trương từ lâu mà chưa thực hiện được, hy vọng trước năm 2020 xong được tuyến đường để bứt phá cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

“Hiện có đoạn thì đề nghị cao tốc, có đoạn làm ven biển, làm gì thì làm cũng phải đấu nối được với nhau, ít nhất trong giai đoạn này. Phải hình dung ra một bức tranh tổng thể và triển khai nhanh được để đáp ứng nhu cầu phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước đây chúng ta quy hoạch, đầu tư theo tư duy cũ, cách làm cũ, cơ chế cũ, nguồn lực cũ. Đến nay phải xem lại, có những cái nếu cần thì phải thay đổi, kể cả tầm nhìn, tư duy, định hướng phát triển. “Chúng ta không thể chỉ dựa vào hiện tại để thiết kế mạng lưới giao thông, mà phải nghĩ rộng hơn cho toàn vùng, cho cả nước về hướng phát triển, không gian phát triển để bố trí hạ tầng, từ đó kích thích sự phát triển của địa phương, cả vùng và cả nước. Bao nhiêu bài học đã có rồi, tư duy, tầm nhìn không tới, làm xong lại đi nâng cấp mở rộng, làm xong lại đi mở đường mới, làm xong lại thiếu đường kết nối, không đồng bộ, đồng mức. Chúng ta đã phải trả giá rất nhiều, và làm tuyến đường này không nên suy nghĩ như thế nữa, vì đây là tuyến đường rất quan trọng, phải nghĩ cho toàn vùng, với cái nhìn toàn cục hơn, chứ không phải tỉnh nào lo tỉnh đó” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Đa dạng nguồn lực đầu tư

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, cơ chế đầu tư cần linh hoạt hơn. Trước cứ cao tốc, quốc lộ là Trung ương đầu tư, đường tỉnh thì tỉnh đầu tư, nhưng giờ tăng cường tận dụng nguồn lực qua PPP, huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư. Với tuyến đường ven biển, Bộ trưởng Hà đề nghị cần làm rõ cơ chế đầu tư và gợi ý nên theo cách của Quảng Ninh, Hải Phòng, nếu địa phương còn khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ một phần, địa phương chủ động huy động các nguồn lực khác.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm, trước đây chủ yếu dựa vào ngân sách, giờ có chủ trương xã hội hóa, với dự án đường bộ ven biển này phải bằng 3 nguồn: ngân sách hỗ trợ, nhưng hỗ trợ có mức độ thôi, ví dụ giúp giải phóng mặt bằng; còn lại nếu địa phương làm BT thì đổi đất, làm BOT thì cho doanh nghiệp thu phí. Vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP sẽ có vai trò dẫn dắt để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng.

Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý các tỉnh cần cẩn trọng với hình thức BT - đổi đất lấy hạ tầng, vì đất đang rất rẻ, tổng mức đầu tư lại rất lớn, nếu quy đổi ra thì diện tích đất nhà đầu tư được sử dụng rất lớn, sau này hạ tầng phát triển, giá trị đất, địa tô tăng lên thì chúng ta lại không còn đất, có khi lại phải mua lại của nhà đầu tư. Theo Bộ trưởng Dũng, vẫn làm BT nhưng tính toán thận trọng để khai thác hiệu quả quỹ đất. Mở đường cao tốc hay đường ven biển thì đều có quỹ đất vô cùng lớn hai bên đường, địa phương cần sử dụng làm sao hiệu quả, khai thác nguồn lực gia tăng từ đất do đầu tư hạ tầng tạo nên.

Sau cuộc họp, các bộ, địa phương đã có thống nhất cao về hướng tuyến, giao cắt, kết nối giữa các địa phương, giữa tuyến đường cao tốc và đường ven biển. Việc triển khai thống nhất, đồng bộ được dự án này sẽ là kinh nghiệm rất tốt để tiếp tục thực hiện toàn tuyến đường bộ ven biển kết nối đến Kiên Giang.

Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm ảnh 1
Phải thay đổi, không tư duy theo lối mòn

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng 

Lâu nay do thiếu nguồn lực nên chúng ta bị “bó chân bó tay” lại. Vì thiếu nguồn lực, nên chúng ta không dám nghĩ đến là vướng sông thì làm cái cầu thẳng qua, vướng núi thì làm đường hầm xuyên núi, mà cứ phải quặt đi hướng khác rồi kết nối lại. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ, nhưng tư tưởng phát triển không phải như vậy, vì khó khăn trước mắt nên buộc phải như thế, nhưng về lâu dài khi có nguồn lực phải làm thẳng ngay. Không có đường rẽ, gặp núi thì phải làm đường xuyên núi, chứ không vòng vèo đi qua núi, kéo dài bao nhiêu km, bao nhiêu chi phí duy tu, tốn kém hơn cả là đi thẳng qua núi. Chỗ nào quặt là quặt, chỗ nào cần đi thẳng phải làm thẳng, có khi còn tiết kiệm hơn. Chúng ta phải thay đổi, theo lối mòn có tiền đến đâu tư duy đến đó thì rất nguy hiểm. 

Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm ảnh 2
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT

Đẩy được phát triển khu vực này lên thì phía Bắc sẽ phát triển, giãn bớt áp lực cho Thủ đô, đánh thức khai khẩn được vùng đất mà chúng ta bỏ quên. Từ góc độ của nhà kế hoạch, đề nghị Bộ KH&ĐT sớm có cân đối để có nguồn lực hỗ trợ địa phương và trong cân đối, phân bổ vốn, các địa phương cũng phải vì tuyến đường chứ không nên vì địa phương mình, cứ phân chia đều là không hiệu quả. Phải chia sẻ với nhau nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.

Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm ảnh 3
Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Kể cả khi ngân sách có dồi dào vẫn vẫn đẩy mạnh thu hút đầu tư nguồn lực tư nhân. Nếu có hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP đối với tuyến đường ven biển được. Bộ KH&ĐT thông qua bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho địa phương rõ ràng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ được, để địa phương tin tưởng, biết được có bao nhiêu nguồn lực, tính toán phối hợp với nguồn lực khác để đầu tư.

Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm ảnh 4
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Đây là hội nghị quan trọng, có ý nghĩa giải quyết vấn đề liên kết vùng, vì nếu không giải quyết được giao thông thì không kết nối được. Thanh Hóa thống nhất cao với triển khai đường ven biển, vì tuyến đường rất quan trọng trong kết nối và khai thác tiềm năng tại chỗ. Khi Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn có sản phẩm trong năm nay và hàng tỷ USD nữa vào Khu kinh tế Nghi Sơn, các nhà máy điện đi vào hoạt động… nếu giao thông không được giải quyết ngay, Thanh Hóa sẽ bị ách tắc và không phát huy được tiềm năng phát triển.

Đầu tư tuyến đường bộ ven biển: Ba bộ, sáu tỉnh hạ quyết tâm ảnh 5
Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Hội nghị hôm nay rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, thể hiện sự đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và bộ, ngành trung ương. Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức hội nghị liên vùng bàn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết nối kinh tế, giao thông, nhưng đây là lần đầu tiên cả 3 Bộ trưởng cùng ngồi lại với địa phương, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành để thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển của vùng, cũng như của đất nước, góp phần đảm bảo thành công cho dự án đường ven biển.

Đầu tư tuyến đường ven biển có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Hải Phòng mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế đột phá cho cả Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.