Ảnh Internet |
Trong khi đó, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này lại đang rất nhỏ giọt, không đáp ứng nhu cầu.
DN vẫn nằm ngoài cuộc
Tại Hội thảo “Xã hội hóa các nguồn lực đầu tư hoạt động KH&CN tại khu vực phía Nam – Thực trạng và giải pháp” do Bộ KH&CN tổ chức tại TP.HCM mới đây, thông tin từ Bộ này cho thấy, đến nay, phần lớn kinh phí cho các hoạt động KH&CN vẫn do Nhà nước cấp (0,5% GDP), tương đương 2% nguồn chi từ ngân sách nhà nước (NSNN). Nguồn vốn tài trợ cho hoạt động KH&CN từ khu vực DN trong nước mới chỉ chiếm 0,3% GDP.
Hiện nay, ở nước ta chỉ có một số ít các DN lớn (chẳng hạn như Viettel, FPT) thực hiện việc đầu tư cho phát triển KH&CN. Đối với các DN nhỏ, nếu có nhu cầu đổi mới công nghệ, thì giải pháp của họ là tìm mua trên thị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi bản thân các DN nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đối với quá trình sản xuất kinh doanh và có nhu cầu đổi mới công nghệ, thì việc quyết định có mua công nghệ mới trên thị trường hay không còn phụ thuộc vào việc họ có đủ nhân lực và đội ngũ chuyên gia để tiếp nhận các công nghệ mới này hay không.
Bên cạnh đó, trên thực tế, mặc dù có một số DN có nhu cầu mua công nghệ mới trên thị trường nhưng khả năng đáp ứng của các DN cung cấp công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều DN thẳng thắn chia sẻ, đầu tư cho phát triển KH&CN có rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn dài.
Thêm vào đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn, như: nông nghiệp, sản xuất, chế biến thủy sản, dệt may… vẫn chủ yếu là gia công, sử dụng nhiều lao động, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp.
Ở nước ta hiện nay, còn tới 80% DN nhỏ và vừa sử dụng công nghệ lạc hậu từ 3 - 4 thế hệ so với thế giới, thế nhưng, năng lực nghiên cứu đổi mới công nghệ của số DN này còn rất hạn chế. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãng phí năng lượng, khiến DN phải tăng chi phí đầu vào.
Nỗ lực ươm tạo từ chính DN
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM khẳng định, để đầu tư cho KH&CN thực sự hiệu quả, cần lấy DN làm trọng tâm đầu tư. “Chúng ta cần ươm tạo mầm khoa học và công nghệ từ khi khởi tạo DN”, ông Phùng nhận định. Sở KH&CN TP.HCM cho biết, từ năm 2011 cho đến nay, TP.HCM đã và đang tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy các nguồn lực KH&CN. Nhiều chính sách được triển khai như phát huy đội ngũ trí thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách nhằm tăng cường hiệu quả ứng dụng của các công trình nghiên cứu để hoạt động nghiên cứu khoa học đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; chính sách nhằm kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất - kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư cho KH&CN...
Song song với việc đầu tư ngân sách cho KH&CN, trong nhiều năm vừa qua, TP.HCM cũng đã chú trọng đến việc đẩy mạnh xã hội hóa để huy động vốn đầu tư phát triển KH&CN, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua Quỹ phát triển KH&CN của DN. “Hiện TP.HCM có 11 DN báo cáo có thành lập Quỹ phát triển KH&CN, trích lập Quỹ với tổng số tiền 1.903 tỷ đồng, trong đó số tiền chi sử dụng thực tế là 384 tỷ đồng. Trong số 242 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động, thì có 63 tổ chức công lập, và trong giai đoạn năm 2011 - 2017 đã có 1010 đơn vị được cấp giấy chứng nhận tổ chức KH&CN với tổng số vốn đăng ký hoạt động KH&CN là 243,6 tỷ đồng”, Sở KH&CN TP.HCM cho biết.
Cơ chế đồng bộ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm gắn kết DN với các viện, trường thông qua hai chương trình quan trọng là Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu (còn gọi là Chương trình 04) và Chương trình chế tạo robot công của Thành phố đã thực hiện 44 đề tài, đề án với tổng kinh phí đầu tư 83,387 tỷ đồng, trong đó NSNN hỗ trợ 36,141 tỷ đồng, còn kinh phí huy động từ xã hội là 47,246 tỷ đồng. Bộ KH&CN khẳng định, kết quả đạt được như trên của TP.HCM chính là minh chứng cho sự thành công của cơ chế "liên kết hợp tác 3 nhà", đó là Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà trường, viện trong hoạt động phát triển, nghiên cứu KH&CN trên địa bàn. “Để phát triển tốt tiềm lực KH&CN thì chúng ta cần lấy DN làm trọng tâm, cần khai thác hiệu quả và linh hoạt nguồn lực đầu tư xã hội hóa, ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho lĩnh vực KH&CN như cách TP.HCM đang triển khai”, đại diện Bộ KH&CN phân tích.