Ảnh minh họa |
Cần xem lại hiệu quả và hài hòa lợi ích
Tình trạng các địa phương dốc vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi nhà đầu tư xây chợ, chợ kết hợp TTTM đã ào ạt diễn ra nhưng nhiều nơi chợ xây xong… chẳng ai chịu vào.
Điển hình, chợ Đức Phổ (Quảng Ngãi) được khánh thành vào tháng 5/2015 với vốn đầu tư 55 tỉ đồng, nhưng đến nay mới có khoảng hơn 300 tiểu thương/500 tiểu thương tại chợ Đức Phổ cũ đồng ý vào chợ mới buôn bán. Hay chợ Phong Toàn, TP. Vinh, (Nghệ An), được đầu tư 18 tỷ đồng, xây xong đi vào hoạt động được hơn 3 năm, đến nay dù được miễn thuế 100% tiền thuê gian hàng, nhưng vẫn vắng bóng người kinh doanh. Thậm chí, nhiều chợ xây xong bỏ hoang… như chợ Nghĩa Hiệp (Hưng Yên) được đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách xã với tổng chi phí lên đến 20 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm hoàn thành chợ vẫn bỏ hoang.
Hà Nội cũng không thoát khỏi tình trạng trên khi hàng loạt khu chợ cũ được đầu tư thành chợ -TTTM: TTTM Hàng Da, Cửa Nam, Ô chợ Dừa, chợ Mơ… khi đưa vào khai thác thì khách thuê gian hàng ngày càng thưa thớt, khách vào mua hàng chẳng thấy đâu và khiến lãnh đạo TP. Hà Nội phải yêu cầu giãn, hoãn tiến độ thực hiện các dự án tương tự.
Đánh giá chung từ nhiều địa phương cho thấy, mặc dù đã có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước về miễn, giảm tiền thuê gian hàng; hỗ chợ các tiểu thương chi phí liên quan đến chuyển đổi địa điểm kinh doanh, nhưng tỷ lệ lấp đầy các chợ, chợ - TTTM chỉ vào khoảng 50 - 70%. Cá biệt, không ít trường hợp nhiều chợ hiện đang bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn các nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, nếu các dự án xây mới chợ, chợ - TTTM được thực hiện từ nguồn vốn của nhà đầu tư, thì nhà đầu tư được hưởng rất nhiều ưu đãi từ phía các địa phương về tiền thuế, quỹ đất… Ngược lại, nếu dự án không triển khai thuận lợi, phần thiệt lại do Nhà nước gánh. Theo ông Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Công Thương, nếu chỉ trông chờ vào chợ hay TTTM khi chuyển đổi, việc thu hồi vốn phải kéo dài nhiều năm chứ chưa nói đến lợi nhuận. Do đó, chủ đầu tư thường tính đến phương án dành một vài tầng làm TTTM, còn lại làm chung cư, văn phòng cho thuê để thu hồi vốn nhanh, đạt lợi nhuận cao. Ngoài ra, nếu không có tiểu thương vào kinh doanh, thì Nhà nước lại đứng ra “gánh vác” với việc miễn, giảm thuế thuê gian hàng.
Dễ dãi, qua loa trong đấu thầu
Hưởng lợi lớn và nằm ngoài “tâm bão” giữa các chủ đầu tư, tiểu thương, có lẽ lại là các… nhà thầu nhận thi công xây dựng công trình.
Khi xây dựng chợ, chợ - TTTM, theo nhận xét của Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Hoàng Văn Hùng, chính quyền nhiều địa phương không tính đến nhu cầu giao lưu hàng hóa, phong tục và tập quán của người dân, mà xây chợ theo phong trào mang tính chủ quan. Việc chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình TTTM kết hợp chợ không khác gì sự chuyển đổi nửa vời. Điều này, theo nhận xét từ phía nhiều chuyên gia, đã gây khó cho người thuê gian hàng vì các công năng và tiện ích sử dụng của gian hàng, nhưng lại dễ cho nhà thầu trong thiết kế, thi công công trình.
Trong các dự án xây mới chợ, chợ - TTTM chiếm phần lớn là những dự án xã hội hoá, được thực hiện từ các nguồn vốn của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư được quyền quyết định rất lớn, cộng với lý do các công trình đều có tính cấp bách cần được thực hiện khẩn trương phục vụ dân sinh, nên việc ưu tiên vốn đầu tư cũng thuận lợi và công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công công trình thường được thực hiện dễ dãi, qua loa.
Nhu cầu và chủ trương cải tạo, xây mới nhiều chợ đang xuống cấp là đúng. Nhưng với những thất bại trong cách thực hiện, đang rất cần những giải pháp cụ thể từ phía các địa phương, để làm sao hài hòa lợi ích giữa các chủ thể có liên quan và đặc biệt, cần siết chặt công tác đấu thầu thực hiện dự án.