Đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã cơ bản hoàn thiện, được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, để đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về PPP, rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời các chính sách liên quan cũng cần được ban hành đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh thu hút tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. 
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự đồng hành với nhà đầu tư trong tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đã triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực để giúp họ yên tâm hơn khi tham gia các dự án mới. Ảnh: Lê Tiên
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự đồng hành với nhà đầu tư trong tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đã triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực để giúp họ yên tâm hơn khi tham gia các dự án mới. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Hào Hùng Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu

Ông Trần Hào Hùng

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu

Thưa ông, sau khi Luật PPP được Quốc hội thông qua, hệ thống các văn bản dưới Luật đến nay đã được hoàn thiện như thế nào?

Luật PPP được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã tạo khung pháp lý cao, ổn định cho việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công.

Sau khi Luật được thông qua, căn cứ quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP (NĐ 35), Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP (NĐ 28).

Ngày 16/11/2021, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất, thay thế Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT (TT06). Thông tư này cập nhật những nội dung mới tại Luật PPP và NĐ 35, tiếp tục hoàn thiện các quy định của TT06 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi, đồng bộ của pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Kèm theo Thông tư có các mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu để tạo thuận lợi tối đa trong thực thi.

Như vậy, có thể nói khung pháp lý về PPP đã cơ bản đầy đủ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Luật PPP và các văn bản hướng dẫn trên chỉ là khung pháp lý chung, rất cần thêm hướng dẫn chi tiết trong lĩnh vực chuyên ngành, phù hợp đặc điểm dự án PPP để thuận lợi hơn trong thực hiện. Tại Điều 93 NĐ 35, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chi tiết một số nội dung liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Đến nay, mặc dù nhiệm vụ này đã được một số bộ quan tâm, triển khai thực hiện nhưng số lượng văn bản hướng dẫn cần được ban hành còn chậm. Một số bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn về PPP của ngành, tuy nhiên, nội dung hướng dẫn còn chưa được cập nhật khi NĐ 35 thay thế Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Một số bộ chưa ban hành thông tư hướng dẫn. Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

Vì thế, Bộ KH&ĐT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trong đó, nêu rõ các nội dung cần hướng dẫn với mốc hoàn thành để đốc thúc các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn chi tiết, góp phần giúp thi hành hiệu quả hơn Luật PPP.

Dù khung pháp lý đã cơ bản hoàn thiện, thế nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng thu hút đầu tư theo phương thức PPP còn nhiều khó khăn. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, thời gian vừa qua, thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP còn hạn chế.

Một trong những khó khăn lớn nhất là huy động được vốn vay cho dự án. Các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn chủ yếu huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT giai đoạn trước khiến cho thị trường vốn dành cho PPP ngày càng hạn chế. Các tổ chức tín dụng trong nước chưa sẵn sàng cho vay dự án mới, trong khi các tổ chức tín dụng quốc tế còn ngần ngại.

Sau khi Luật PPP có hiệu lực, đã có một số dự án PPP mới được duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, có 3 dự án PPP công bố nội dung quyết định chủ trương đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, gồm: Dự án Cấp nước sạch trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn được HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 27/7/2021, sơ bộ tổng mức đầu tư 337 tỷ đồng, loại hợp đồng BOO; Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23/9/2021, sơ bộ tổng mức đầu tư 19.616 tỷ đồng, loại hợp đồng BOT; Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 21/10/2021, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 dự án PPP được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020 gồm Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa sơ bộ tổng mức đầu tư 3.372 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) sơ bộ tổng mức đầu tư 22.920 tỷ đồng đã thực hiện khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Qua khảo sát, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, đóng góp ý kiến vào các vấn đề mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xin ý kiến, qua đó góp phần hoàn thiện dự án khả thi, hấp dẫn hơn. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia đã có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Nhiều địa phương trên cơ sở Luật PPP và các văn bản hướng dẫn, đã xây dựng kế hoạch, đề án thu hút đầu tư PPP tại địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số hiệp hội, nhà đầu tư phản ánh một số vướng mắc trong những chính sách liên quan, ví dụ như chính sách thuế, đất đai, ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng tài sản công…

Ngoài ra, PPP là phương thức đầu tư phức tạp với sự tham gia của nhiều bên (nhà nước, doanh nghiệp, bên cho vay...) trong một hợp đồng dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự án PPP là dự án nhằm mục đích công, nhưng do ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, nên cần kêu gọi nguồn lực tài chính từ khu vực tư để bù đắp thiếu hụt. Thiết kế một dự án PPP vì thế vừa phải đảm bảo thực hiện được các mục đích công vừa phải đảm bảo lợi nhuận đủ hấp dẫn khu vực tư, hài hòa lợi ích giữa các bên. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư vì thế mất nhiều thời gian để xác định tính khả thi về tài chính, đồng thời bảo đảm phân bổ nguồn lực Nhà nước có hiệu quả.

Theo ông, cần những giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa đầu tư PPP trong thời gian tới?

Dù khung pháp lý về PPP đã cơ bản hoàn thiện, nhưng để đẩy mạnh thu hút đầu tư PPP trong thời gian tới thì cần nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư hấp dẫn, kinh tế vĩ mô ổn định, mức độ tín nhiệm quốc gia tốt hơn và phải nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đa dạng thị trường vốn… Các chính sách liên quan cần được ban hành đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu thu hút tư nhân, phù hợp với mục tiêu, tính chất và đặc điểm dự án PPP trong từng lĩnh vực cụ thể.

Việc tổ chức thực thi của mỗi bộ, ngành, địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng để các quy định của Luật đi vào thực tiễn nhanh, hiệu quả… Cơ quan có thẩm quyền cần lựa chọn dự án phù hợp, có hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời phải bảo đảm tính khả thi về tài chính, thương mại và phải có sự phân chia rủi ro hợp lý, chấp nhận được đối với nhà đầu tư. Nếu các yêu cầu đó không đáp ứng được thì dù Luật có sức hấp dẫn cũng khó thu hút được nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để tham gia thực hiện dự án PPP, bảo đảm nguồn lực chuẩn bị dự án PPP, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dự án

Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng cần được chú trọng hơn để quảng bá rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cần có giải pháp hiệu quả để tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài.

Đối với các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đã triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần đồng hành với nhà đầu tư để tháo gỡ, xử lý trên tinh thần tôn trọng hợp đồng đã ký kết, thượng tôn pháp luật. Điều đó sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia thực hiện các dự án mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng chi phí và các khoản thu trong lựa chọn nhà đầu tư; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn về khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và mẫu hợp đồng dự án, hoàn thành trong quý IV/2021.

- Bộ GTVT khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông (trong đó có mẫu hợp đồng BOT) để áp dụng thống nhất đối với các dự án giao thông trọng điểm; hoàn thành trong quý I/2022.

- Trong quá trình thực hiện báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2021 theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT tổng kết đánh giá việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP thời gian vừa qua; trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực của xã hội, hoàn thành trong quý III/2022.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình, bao gồm: Nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung chi tiết tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hợp đồng dự án phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế theo pháp luật chuyên ngành và nội dung cần thiết khác theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP; hoàn thành trong quý II/2022.

- Đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, Bộ TN&MT thống nhất với Bộ Xây dựng về cơ quan ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2021. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan được giao ban hành thông tư trong quý II/2022.

Tin cùng chuyên mục