Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng với chiều dài 98 km, quy mô 2 làn xe. Ảnh: Song Lê |
Theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng với chiều dài 98 km, quy mô 2 làn xe, giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe. Trong tổng mức đầu tư nói trên, giá trị xây lắp là 5.586 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 435 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác là 860 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 788 tỷ đồng. Dự án đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 11 gói thầu xây lắp.
Hiện công tác thiết kế kỹ thuật - dự toán của 11 gói thầu này đã hoàn thành. 2 gói thầu XL1, XL2 với tổng chiều dài 26,5 km đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị đang được các nhà thầu thi công; 3 gói thầu XL8, XL9, XL10 với tổng chiều dài 23,4 km qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký hợp đồng, các nhà thầu đang huy động máy móc, thiết bị để thi công. 6 gói thầu còn lại của Dự án đang được Bên mời thầu trình Bộ Giao thông vận tải và Tổ công tác liên ngành về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, đặt mục tiêu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và khởi công các gói thầu này vào cuối tháng 3/2020.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, 2 địa phương đã bàn giao 72 km mặt bằng sạch, tương đương 73,5% tổng mặt bằng. Về hạ tầng kỹ thuật của Dự án, hiện đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang được di dời đường dây, cột điện; đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, 2 trong số 3 huyện đang triển khai di dời. Trong khuôn khổ Dự án có 10 khu tái định cư, trong đó 4 khu đang thi công, 5 khu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị còn một số vướng mắc ở 0,8 km đoạn qua rừng của Cục Hải quan và 1,2 km qua rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Thạch Hãn, 1 km rừng thực nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn 9 hộ trên Tỉnh lộ 9 (nút giao cầu vượt Tỉnh lộ 9, Gói thầu XL6) chưa được lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do địa phương đề nghị điều chỉnh tuyến. Trên thực tế, do phạm vi mặt bằng của Dự án đã bàn giao chia thành nhiều đoạn không liền mạch dẫn đến khó khăn trong thi công đường công vụ dọc tuyến. Để nối thông, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã họp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và dự kiến sẽ cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 3/2020.
Đối với hệ thống công trình công cộng, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản thỏa thuận nhưng địa phương chưa phê duyệt thiết kế và dự toán, chưa đấu thầu; một số khu tái định cư chưa đấu thầu xong (địa phương dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí và vận động các hộ di dời trước) nên sẽ khó bàn giao trong quý I/2020.
Về tiến độ giải ngân, năm 2019, Dự án đã giải ngân được khoảng 1.161/1.186 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Năm 2020, Dự án được giao kế hoạch 1.500 tỷ đồng. Hiện nay, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang làm các thủ tục phân khai vốn để tiếp tục giải ngân cho Dự án.
Theo tìm hiểu, các nhà thầu trúng 2 gói thầu XL1, XL2 của Dự án là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 - Tổng công ty Thành An và Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Các nhà thầu đang triển khai thi công 2 gói thầu này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tổng giá trị xây lắp hợp đồng 2 gói thầu trên là 1.085 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng và chi phí thiết kế bản vẽ thi công); tiến độ thực hiện hợp đồng 24 tháng (từ tháng 9/2019 - 9/2021). Hiện Gói thầu XL1 đã bàn giao được 13,9 km/15 km mặt bằng, còn lại 1,1 km mặt bằng bị vướng rừng nên các đơn vị đang tìm cách sớm tháo gỡ dứt điểm. Còn Gói thầu XL2 đã bàn giao được 9,5 km/11,5 km, hiện còn vướng 2,0 km rừng đang được giải quyết. Đến nay, giá trị sản lượng lũy kế thực hiện của 2 gói thầu đạt 104 tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị, trong đó Gói thầu XL1 đạt khoảng 14%, Gói thầu XL2 đạt khoảng 5,5%.