Công khai các thông tin về nhà đầu tư, chi phí xây dựng, thời gian hoàn vốn, lưu lượng xe tại các trạm BOT... là cách để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh sự tường minh của mình. Ảnh: Lê Tiên |
Và minh bạch thông tin tối đa chính là cách tốt nhất để ngăn chặn rủi ro tham nhũng, để không lặp lại những vấn đề đang nhức nhối hiện nay của các dự án BOT.
Hơn 8 năm về trước, khi Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP. Thanh Hóa còn ở vị trí cũ nằm trên Quốc lộ (QL) 1, để có được số liệu về lưu lượng xe chính xác qua Trạm, nhóm phóng viên Báo Đấu thầu đã phải trực 4 ngày 3 đêm tại một quán nước gần Trạm để đếm xe. Không dám dùng máy quay, chỉ làm một cách thủ công, ngồi đếm trực tiếp trong vai người trông hàng, bởi nếu bị phát hiện đang đếm lưu lượng xe qua Trạm, chắc chắn chúng tôi không thể tác nghiệp thành công. Ngay sau khi có được số liệu về lưu lượng xe, khi đó, Báo Đấu thầu đã chứng minh rằng, dự án không cần đến 23 năm để hoàn vốn, mà chỉ cần nhiều nhất là 10 năm.
Cách đây ít lâu, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đặt máy quay để giám sát thu phí, kiểm soát lưu lượng xe tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng bị cản trở với lý do “gây phản cảm”.
Số liệu này đáng lẽ phải tường minh và rất dễ tường minh, nhưng với các dự án BOT đã thực hiện, thông tin này đang bị tù mù. Bởi chỉ cần có số liệu chính xác về lưu lượng xe, có thể tính toán được phương án tài chính của dự án có phù hợp hay không.
Sự tù mù trong dự án BOT chính là sự tù mù trong những thông tin về dự án, trong đó quan trọng nhất là chi phí xây dựng và lưu lượng xe, và chỉ điều này cũng có thể nói lên sự thiếu tường minh trong cách quản lý.
Kết quả Thanh tra Chính phủ mới công bố về một số dự án BOT tại TP.HCM cũng cho thấy thực tế thông tin về dự án thiếu tường minh ra sao. Theo kết quả Thanh tra, về công tác chuẩn bị đầu tư, UBND TP.HCM không kiến nghị với Bộ KH&ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ để kêu gọi đầu tư.
Rõ ràng, quy định của pháp luật về BOT khi đó, dù chưa thực sự hoàn thiện, nhưng đã khá rõ để thực hiện, nếu tuân thủ đầy đủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hết trách nhiệm, thẩm định chặt chẽ, công khai đầy đủ để người dân giám sát, thì câu chuyện BOT đến thời điểm này sẽ rất khác. Bởi vì dự án BOT giai đoạn trước phần lớn do nhà đầu tư đề xuất, nhà đầu tư lập dự án, tính toán phương án tài chính và sau đó lại được chỉ định thầu. Dù việc chỉ định thầu được lý giải là đúng quy trình, quy định, nhưng vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thẩm định, phê duyệt dự án là vô cùng quan trọng.
Nếu muốn chặt chẽ, trước khi đấu thầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thuê tư vấn thẩm định dự án do nhà đầu tư lập; muốn tường minh, khi quyết toán, cơ quan quản lý cũng hoàn toàn có thể thuê tư vấn độc lập, có thể là 2 – 3 đơn vị, thống kê lại lưu lượng xe các dự án đã thực hiện, từ đó đánh giá lại phương án tài chính, tư vấn phải chịu trách nhiệm về số liệu của mình. Với thực tế đã đếm xe một cách thủ công qua Trạm thu phí Tào Xuyên, thiết nghĩ việc thống kê lại lưu lượng xe qua 88 trạm hiện hành không phải là quá khó khăn.
Sau khi có số liệu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần công khai thông tin, để người dân giám sát. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khuyến nghị, cần công khai các thông tin về nhà đầu tư, chi phí xây dựng, thời gian hoàn vốn, lưu lượng xe tại các trạm BOT. Đây là cách làm rất đơn giản để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh sự tường minh của mình.
BOT là một chủ trương đúng đắn, nếu thực hiện đúng sẽ đem lại hiệu quả tốt cho mọi quốc gia và đặc biệt đối với Việt Nam. Những vấn đề đang nhức nhối, những phản hồi của dư luận, của người dân lúc này chính là “bài học xương máu”, là kinh nghiệm quý giá để thực hiện BOT tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.