Để dự án năng lượng tái tạo hấp dẫn các quỹ đầu tư

(BĐT) - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam vừa cho biết, Ngân hàng Phát triển châu  Á (ADB) và Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng TTC (TTC Energy) đã ký hợp đồng vay trị giá 37,8 triệu USD nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. 
Các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang có được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Trung Thành
Các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang có được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Trung Thành

Khoản vay này có sự góp vốn từ Quỹ Cơ sở hạ tầng tư nhân châu Á (LEAP) của JICA. Trước đó, nhiều dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam đã thu hút được nhà đầu tư.

JICA nhấn mạnh, khoản vay trị giá gần 38 triệu USD nêu trên nhằm mục tiêu cải thiện khả năng thanh toán cũng như khả năng tài chính của Dự án, đồng thời, tạo điều kiện để những nhà cho vay khác cung cấp nguồn vốn dài hạn bằng đồng USD cho Dự án. Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 50 MW và các hạ tầng đi kèm tại tỉnh Tây Ninh. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tại miền Nam cũng như đa dạng hóa nguồn năng lượng. Các nhà đầu tư của Dự án gồm Gulf Energy Development Public Company Limited (GED) của Thái Lan và Tập đoàn Thành Thành Công của Việt Nam.

Trước đó, tháng 10/2019, hợp đồng cho vay trị giá 37 triệu USD đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam cũng đã được ADB và Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) ký kết. Khoản cho vay có sử dụng 4,4 triệu USD từ Quỹ LEAP. Dự án được kỳ vọng sẽ khởi nguồn cho tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tại Lễ ký kết thỏa thuận Dự án, Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Nguyễn Trọng Oánh bày tỏ: “Chúng tôi tự hào là công ty đầu tiên ở Việt Nam xây dựng một nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện. Dự án phù hợp với chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo của DHD, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các hồ thủy điện ở miền Nam Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời rất lớn. Với lợi thế là mối quan hệ gắn kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ADB, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển một nguồn năng lượng mới cho đất nước”.

Không chỉ có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài, các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng đang được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm. Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô đã quyết định mua Dự án Nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 thông qua việc mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hà Đô Ninh Thuận cho biết, Tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư bền vững đối với tất cả các dự án năng lượng, từ thủy điện cho đến điện mặt trời, điện gió… Theo đánh giá của Tập đoàn, nhu cầu năng lượng cho phát triển của Việt Nam thời gian tới tiếp tục rất lớn. “Ngoài ra, đây cũng là xu hướng đầu tư năng lượng “hot” trong bối cảnh nguồn năng lượng từ than, khí ngày càng cạn kiệt”, ông Vinh nhận định.

Dẫu vậy, để các dự án năng lượng tái tạo Việt Nam tiếp tục thu hút nhà đầu tư, ông Vinh cho rằng, quy hoạch phát triển điện phải phù hợp, tránh tình trạng xin - cho. Tiếp đến, việc lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo công khai, minh bạch để thực sự lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đảm bảo dự án được thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ. Cuối cùng là cơ chế giá phải hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư.