Để khơi thông các dự án thoát nước đô thị

(BĐT) - Việc chậm triển khai các dự án thoát nước tại nhiều địa phương hiện đang gặp nhiều bất lợi cả từ khâu huy động vốn, kỹ thuật lẫn chuẩn bị cho công tác đấu thầu. 
Nhiều địa phương thiếu kinh nghiệm thực hiện các dự án đấu thầu cạnh tranh quốc tế, các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực thoát nước. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều địa phương thiếu kinh nghiệm thực hiện các dự án đấu thầu cạnh tranh quốc tế, các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực thoát nước. Ảnh: Tiên Giang

Nếu tháo gỡ được nhiều vướng mắc từ thủ tục, mạnh dạn triển khai dự án theo hình thức PPP, rộng cửa cho nhà đầu tư tư nhân nhập cuộc với những tính toán bền vững cho dự án, các dự án thuộc lĩnh vực này sẽ thực sự được khơi thông.

Bất lợi vì nhiều yếu tố

Cố vấn chính sách thoát nước của Bộ Xây dựng, ông Wako Takatoshi cho biết, đặc thù của Việt Nam là các dự án thoát nước khi triển khai đều chậm hơn so với các dự án năng lượng và giao thông. “Chậm là do đặc thù của các dự án do UBND tỉnh thực hiện. Có hai lý do chính dẫn đến việc chậm triển khai. Một là do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Hai là về mặt tổ chức, UBND các địa phương thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đấu thầu cạnh tranh quốc tế, dự án quy mô lớn”, chuyên gia này phân tích.

Cũng theo ông Wako Takatoshi, bất lợi của thiếu kinh nghiệm thể hiện ở sự lúng túng, không phân biệt rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan, dẫn tới thủ tục phê duyệt chậm. Bất lợi thiếu kinh nghiệm dẫn tới xây dựng các nội dung đấu thầu không phù hợp nên không thể lựa chọn được nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp; không có những tính toán dài hơi, những thay đổi về thủ tục, khối lượng tăng thêm, điều chỉnh giá… dẫn đến tranh chấp hợp đồng, chậm trễ trong xây dựng. Đó mới chỉ là những khó khăn trong khâu thủ tục, đấu thầu, quản lý hợp đồng dự án thoát nước mà các địa phương đang gặp hiện nay.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia nêu trên, những khó khăn khi triển khai vận hành hệ thống thoát nước còn tiềm ẩn rất nhiều. Đó là tình trạng thiếu về số lượng và chất lượng kỹ sư phục vụ hệ thống nước thải (trong việc lên kế hoạch hệ thống nước thải, vận hành, quản lý bảo dưỡng); thiếu năng lực thực hiện dự án xây dựng hạ tầng hệ thống nước thải (phê duyệt thiết kế, giám sát thi công, quản lý hợp đồng) và chưa xây dựng được hướng dẫn cũng như kế hoạch vận hành cho công trình thoát nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đến nay, Thành phố mới chỉ tập trung hoàn thiện được vùng Trung tâm với diện tích 100 km2 trong tổng số khoảng 2.095 km2 tổng diện tích của Thành phố. Vì vậy, tình trạng ngập vùng trung tâm Thành phố cơ bản đã được giải quyết. Vì còn khó khăn về nguồn vốn nên các vùng còn lại chưa được đầu tư đồng bộ, tình trạng ngập nước vẫn diễn ra với mức độ ngày càng nặng nề. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách thì các dự án thoát nước sẽ rất khó khăn để triển khai.

Tìm lời giải từ nhà đầu tư tư nhân

Tại TP.HCM, có nhiều dự án thoát nước đang triển khai. Trong đó, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1 với công suất 131.000m3/ngày đêm, được triển khai theo hình thức BT và nhà đầu tư trong nước. Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000m3/ngày đêm, đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè giai đoạn 1, công suất 480.000 m3/ngày đêm, đầu tư từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.

Được biết, từ nay đến năm 2020, TP.HCM đang nỗ lực để hoàn thành kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và vận động các nhà tài trợ ODA đối với 4 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao thu, gồm: Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân. Để góp phần đến năm 2025 đạt chỉ tiêu thu gom và xử lý được 80% lượng nước thải sinh hoạt của toàn Thành phố, Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” với quy mô 10.000 tỷ đồng cũng đã được TP.HCM giao cho nhà đầu tư tư nhân.

Tại Khánh Hòa, một số dự án thoát nước đã và đang triển khai từ nguồn vốn tư nhân cũng cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực này đang trở nên rất cần thiết. “Đầu tư từ nguồn vốn tư nhân tại các khu đô thị mới như hệ thống cống riêng độc lập giữa nước mưa và nước thải, giám sát việc đấu nối hộ gia đình trong khu đô thị. Đồng thời, chúng tôi đã kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP tại lưu vực phía Tây sông Quán Trường, sông Tắc và lưu vực sông phía Tây Bắc”, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Cũng tại tỉnh Khánh Hòa, Nhà máy Xử lý nước thải Nam Nha Trang cũng được đại diện địa phương này cho biết sẽ tiến tới xã hội hóa thông qua đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. “Mạng lưới thoát nước tại các khu đô thị phía Tây và phía Nam Nha Trang được thiết kế và đầu tư theo hệ thống cống riêng. Nhà đầu tư tự thực hiện bằng vốn của mình, đồng thời tổ chức việc giám sát việc đấu nối của các hộ gia đình. Tỷ lệ đấu nối nước thải của hộ gia đình tại các khu đô thị mới hiện đạt khá cao, đã góp phần mang lại hiệu quả trong đầu tư”, ông Nhân cho biết thêm.