Để không phải trả giá đắt từ quy hoạch

(BĐT) - Có chủ tịch tỉnh than thở trên địa bàn có tới 200 quy hoạch, mỗi ngày ký vài dự án, nhưng lúc nào cũng nơm nớp, không biết là có không phù hợp với quy hoạch nào không.
Để không phải trả giá đắt từ quy hoạch

Dẫn ví dụ tại địa phương, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khái quát một thực tế hiện quy hoạch quá nhiều, nhưng chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế; quy hoạch còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết dẫn tới hiệu quả thực hiện rất thấp, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển. Những hạn chế, yếu kém trên đã làm khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay có khoảng 19.200 quy hoạch riêng lẻ trên khắp cả nước, trong 2 - 3 năm qua, tiêu tốn hơn 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả lại hạn chế, thậm chí là rào cản cho phát triển đất nước.

“Luật Quy hoạch là bước đột phá về thể chế tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật bằng việc điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch. Hiện tại có 95 Luật, Pháp lệnh và 85 Nghị định điều chỉnh hoạt động quy hoạch. Luật Quy hoạch tạo lập, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch một cách trật tự, thống nhất để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh tại Hội thảo mở rộng về Luật Quy hoạch diễn ra sáng nay (4/4).

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho biết, với việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm (ví dụ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương;…) đang tồn tại hiện nay, Luật Quy hoạch sẽ loại bỏ những giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả. Các sản phẩm, ngành nghề này trước đây được sử dụng thông qua công cụ quy hoạch để quản lý phát triển nay chuyển sang thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với các sản phẩm có gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên. Việc quy định “cứng” bằng quy hoạch không những khó “ứng biến” trong điều kiện nhạy bén của nền kinh tế thị trường, sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ cũng như sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế mà còn cản trở việc đầu tư của các doanh nghiệp và người sản xuất kinh doanh.

Luật Quy hoạch sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

“Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Chính phủ kiến tạo, thống nhất chủ trương, hành động, nhưng hiện nay hơn 20 bộ là hơn 20 chính phủ, 63 địa phương là 63 quốc gia. Giữ nguyên cách làm quy hoạch trước đây thì giữ nguyên quyền lực ai cũng thích, nhưng dân không chịu được nữa, đất nước không thể tồn tại, phát triển”, PGS. TS Trần Trọng Hanh, Ủy viên Thường vụ Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và kiến trúc – Bộ Xây dựng chia sẻ quan điểm.

Theo Thứ trưởng Đông, nếu làm quy hoạch theo Luật Quy hoạch, thì chỉ có 1 bản quy hoạch tổng thể, từ đó mỗi bộ, ngành, địa phương bóc ra làm quy hoạch, đảm bảo không mâu thuẫn chồng chéo.

“Có như vậy mới tránh được những việc như công trình giao thông cầu, đường theo quy hoạch của ngành giao thông, nhưng sau đó Bộ quản lý về thủy lợi lên tiếng công trình đụng vào đê, dòng chảy, nên phải dừng lại cả năm trời, hay rất nhiều các bài học nhãn tiền và đã phải trả giá đắt khác. Ví dụ tình trạng lũ lụt do quy hoạch thủy điện Hố Hô gây nên, trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2016 của miền Trung đã làm 21 người chết và mất tích, thiệt hại ban đầu ước tính gần 600 tỷ đồng. Nguyên nhân về thiên tai là một phần, sâu xa là do những dự án thủy điện được xây khắp trong Nam ngoài Bắc, với những bản quy hoạch và quy trình xả lũ bất hợp lý ”, Thứ trưởng Đông nói.

Tin cùng chuyên mục