![]() |
5 tuyến cao tốc được kiến nghị giao các địa phương làm sơ quản chủ quản gồm: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh -Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum và Quy Nhơn - Pleiku. |
Theo đó, Bộ Xây dựng đã có các văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 tuyến cao tốc gồm: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh -Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum và Quy Nhơn - Pleiku.
Đối với 5 tuyến cao tốc nêu trên là các tuyến cao tốc chưa hình thành tài sản, do vậy, Bộ Xây dựng nêu quan điểm sẽ áp dụng theo quy định pháp luật về đầu tư công. Cụ thể, tại khoản 4 và khoản 11 Điều 4 Luật Đầu tư công đã quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương là cơ quan chủ quản được Thủ tướng Chính phủ giao".
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh: “Như vậy, việc Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương làm cơ quan chủ quản các dự án là phù hợp theo quy định pháp luật về đầu tư công”.
Trong thời gian vừa qua, nhiều dự án cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), Hoà Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải phòng, Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM... đã được Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương làm cơ quan chủ quản tương tự 5 tuyến cao tốc nêu trên để triển khai thực hiện.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII và để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương làm cơ quan chủ quản.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định việc giao các địa phương là cơ quan chủ quản của 5 tuyến cao tốc, làm cơ sở để các địa phương chủ động triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu.